Chuyện là: Giải Cikada từng được trao cho nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc), nhà thơ Bắc Đảo (Trung Quốc). Hai nhà thơ nổi tiếng này từng nhiều lần được đề cử giải Nobel văn chương. Mà giải Cikada năm 2015 đã vinh danh hai nhà thơ: Bắc Đảo (Trung Quốc), Hoàng Thị Ý Nhi (Việt Nam). Hi vọng về Nobel của ta lóe lên theo con đường như vậy.
Năm nay, nhà thơ Mai Văn Phấn được giải Cikada, bạn bè văn chương mừng cho ông. Vì là nhà thơ Việt Nam thứ hai đoạt giải nên dư luận đã hiểu hơn về giải thưởng “Con ve sầu”, từ hoàn cảnh ra đời tới giá trị giải thưởng… Một lần nữa người ta mơ Nobel. Cikada là tên tập thơ của một nhà thơ Thụy Điển từng giành giải Nobel. Thụy Điển lại là “quê hương” của giải Nobel. Hi vọng xem ra cũng ít nhiều có lí.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao giải thưởng Cikada nhưng ông cũng bình luận ngoài lề: Người ta chọn Đông Á để trao giải một phần có khi cũng vì vùng đất này khá… coi trọng giải thưởng, mà nhất là giải có “dán nhãn” nước ngoài. Ông kể tiếp chuyện nhà văn Nguyễn Huy Thiệp của ta từng được giải mang tên một hãng rượu vang của Ý. Nhưng đừng đùa, hãng rượu vang này rất biết “chọn mặt gửi vàng” khi trao giải cho một tác giả đã đoạt giải Nobel. (Phải chăng đây cũng là một yếu tố khiến một thời người ta chọn Nguyễn Huy Thiệp là ứng cử viên của văn chương Việt trên “đường đua” Nobel?). Đặt câu hỏi ngược lại, nếu chúng ta cũng có một giải thưởng văn chương dành cho tác giả là người nước ngoài, liệu có thu hút đông đảo cây bút tham gia không? Điều này không ai dám chắc. Vấn đề không phải chúng ta không lo được giá trị giải thưởng như người ta. Vướng mắc ở chỗ có bao nhiêu tác giả nước ngoài quan tâm đến văn chương Việt hoặc tự hào nhận giải thưởng văn chương Việt? Ở Trung Quốc, PGS.TS Hạ Lộ, người dịch nhiều tác phẩm Việt ra tiếng Trung cũng từng tâm sự: Con đường chị đi rất vắng bóng người.
Nhưng không có nghĩa nhà văn Việt không có cơ hội chạm đến Nobel. Điều gì cũng có thể xảy ra với những ai miệt mài sáng tạo. Nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ sự bất ngờ khi nhận giải Cikada: “Tôi thật khó hình dung không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác”. Tại sao chúng ta không để mọi sự tới bất ngờ, hơn là cứ dự đoán “mò”, khấp khởi hi vọng để rồi thất vọng? Nên nhớ người luôn được đặt cược cao nhất như Murakami, bao năm qua Nobel vẫn chưa chịu mỉm cười.