Báo động nạn tạt axit ở Ấn Độ

TP - Ngày 2/7 ở Ấn Độ, một phụ nữ 35 tuổi bị tạt axit lần thứ 5 dù được cảnh sát bảo vệ 24/24h. 
Các nạn nhân đoàn kết vạch mặt kẻ tấn công mình tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: The Guardian.

Theo điều tra của Quỹ những người sống sót sau khi bị tạt axit, nạn nhân thường là phụ nữ và 1/3 vụ việc là do ghen tuông. Nhiều đàn ông trả thù do bị vợ đòi ly hôn, không được đáp ứng tình yêu hoặc có thể liên quan tranh chấp tài sản. Theo báo cáo, năm 2015, hơn 300 phụ nữ bị tạt axit. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động xã hội và nhiều tổ chức phi chính phủ, trên thực tế, con số nạn nhân có thể gấp ba lần.

Nạn nhân mới nhất đã đến nhà lánh nạn dành cho phụ nữ ở thủ phủ Lucknow, bang Uttar Pradesh và được cảnh sát bảo vệ 24/24h nhưng vẫn không thoát. Chị kể, hôm 2/7, hai người đàn ông trèo tường vào nhà nghỉ và đổ axit vào người chị rồi bỏ trốn. Chị đã được đưa vào bệnh viện để điều trị bỏng axit ở mặt và vai. Chị nói rằng, năm 2008, chị bị hãm hiếp và tấn công bằng axit bởi hai người đàn ông trong vụ tranh chấp tài sản. Sau đó, chị bị tạt axit thêm hai lần (vào năm 2012 và 2013); kẻ tấn công muốn buộc chị rút đơn kiện. Trước vụ việc hôm 2/7, chị bị ép uống axit loãng trong khi đi tàu cùng con gái của mình vào tháng 3 năm nay.

Ở Ấn Độ, nhiều nạn nhân đã vượt qua mặc cảm để xuất hiện trước công chúng kể về những nỗi đau đớn mà họ phải gánh chịu và tham gia các tổ chức xã hội. Geeta Mohar cho biết, khi cô đang ngủ cùng các con, trong đó có em bé mới sinh thì bị chồng đổ axit vào người vì anh ta muốn có một đứa con trai. Em bé tử vong tại chỗ, hai đứa lớn hơn bị hỏng mắt. Kể từ khi được nhận vào làm việc trong quán café Sheroes (nơi chuyên tiếp nhận những phụ nữ bị tạt axit vào làm việc), cô thấy cuộc đời mình đã thay đổi; công việc bận rộn giúp cô quên đi nỗi đau quá khứ. Ông Alok Dixit, người điều hành quán café Sheroes, nói: “Chúng ta thấy axit được sử dụng nhiều hơn trong các vụ tấn công của các băng đảng và những trường hợp thù hằn cá nhân. Axit vẫn còn rất phổ biến và giá cực rẻ”.

Theo nhiều tổ chức phi chính phủ và các nghiên cứu riêng tại Ấn Độ, chỉ có một nửa tổng số vụ tấn công bằng axit được đưa ra ánh sáng. Toà án Tối cao Ấn Độ đã nhiều lần thúc giục các quan chức chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để giảm số vụ tấn công bằng axit. Tòa án ra lệnh không bán axit cho những không người cung cấp thông tin nhận dạng và lý do mua hàng. Theo quy định, những người tạt axit sẽ phải bồi thường khoảng 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng) cho những người sống sót trong vòng 15 ngày kể từ ngày tấn công để họ được chăm sóc y tế. Tuy nhiên, việc thực thi còn hạn chế.

Theo Theo The Guardian