Bảo đảm an toàn tại hầm lò, kho than trong bão số 7

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đi kiểm tra khai trường của mỏ than Hà Tu, sáng 19/10.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo lãnh đạo TKV chuẩn bị tốt các phương án che chắn bãi thải để không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi đi kiểm tra khai trường, khu vực bãi thải của mỏ than Hà Tu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại mỏ nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói chung.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo TKV không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đối phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Yêu cầu thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của bão để ứng phó kịp thời; rà soát, kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại các đơn vị, chú trọng các vị trí xung yếu như bãi thải Đông Cao Sơn; Nam Lộ Phong; Chính Bắc - Hà Tu; đập Giáp Khẩu...

Các đơn vị sàng tuyển, kho vận, cụm chế biến sàng tuyển than có phương án di chuyển, bảo vệ các phương tiện tránh bão, bảo vệ kho than là nhiệm vụ trọng tâm, tránh trôi than. Ngoài ra, các đơn vị tập trung rà soát, có phương án phòng chống mưa bão tại các đơn vị sản xuất của Khối Khoáng sản - Hóa chất, Điện lực…

“Yêu cầu toàn ngành Than tập trung cao nhất cho phòng chống mưa bão, phối hợp với địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn về người và thiết bị, bảo đảm sau bão đi vào sản xuất được ngay”, Phó Thủ tướng nói.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 7 đã suy yếu, tuy nhiên, dự báo trong khoảng 8 giờ đồng hồ nữa, bão sẽ đi thẳng vào đất liền khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, gây mưa. Tuy nhiên, lượng mưa cũng sẽ giảm hơn so với các dự kiến từ ngày hôm qua. Mưa toàn vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ sẽ chỉ còn khoảng 50-80 mm, rải đều trong ngày.

Báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng, lãnh đạo TKV cho biết hiện đang có nhiều nhóm công tác đi kiểm tra hiện trường các đơn vị như Than Núi Béo, Than Hòn Gai, Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu, Than Uông Bí, Mông Dương, Khe Chàm, Hạ Long… cũng như các đơn vị thuộc khối tiêu thụ than, nhiệt điện, cơ khí. Tại các đơn vị lộ thiên, kiên quyết yêu cầu các khu vực bãi thải nạo vét hệ thống thoát nước; gia cố tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, phân tách dòng chảy theo đúng phương án khai thác và ứng phó với mưa bão đã được phê duyệt.

Tại các đơn vị khối hầm lò, TKV đã chỉ đạo bố trí cán bộ trực canh gác và theo dõi công trình để kịp thời phát hiện nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Tổ chức sơ tán người và thiết bị tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu để ứng phó khi xảy ra sự cố. 


Yêu cầu các đơn vị cần đặc biệt chú ý phương án phòng chống ngập mỏ; kiểm tra bề mặt địa hình, san lấp các hố tụ thủy, trám lấp các vết nứt và khu sụt lún; kiểm tra, khởi động máy phát điện diesel bảo đảm sẵn sàng phát điện khi bị mất điện lưới; chuẩn bị phương án sơ tán người và thiết bị đến nơi an toàn và sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất… 

Mặt khác, các đơn vị kiểm tra nhà xưởng, kho tàng, triển khai giằng néo bảo đảm chắc chắn, đề phòng tốc mái, có phương án tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian bão đổ bộ.

Theo Theo Vinacomin