Báo chí tử tế sẽ sống khỏe!

TP - Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dành cho phóng viên Tiền Phong cuộc trao đổi, chia sẻ về nghề báo nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng báo chí tử tế luôn được trân trọng, đón nhận và quy hoạch báo chí bên cạnh khó khăn cũng là cơ hội lớn…  
Phóng viên phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Theo ông Lâm, về cơ bản, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo quy hoạch đang được thực hiện đúng tiến độ. Điều đó bắt đầu từ việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc các hội. Các tổ chức hội trước đây có cơ quan báo chí thì về cơ bản đã hoàn thành chuyển từ loại hình báo sang tạp chí. Tổng cộng có 24 tổ chức Hội thuộc diện phải tiến hành chuyển đổi các cơ quan báo chí, từ báo thành tạp chí. Hiện nay chỉ còn từ 1-2 tổ chức cần hoàn thiện chuẩn chỉ về hồ sơ chuyển đổi như về hồ sơ cấp phép và hồ sơ nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí. Đây là vấn đề có tính kỹ thuật, cơ bản sẽ đúng tiến độ.

Thưa ông, cơ hội và thách thức nào đang đặt ra cho cơ quan báo chí trong đợt sắp xếp “lịch sử” này?

- Thực hiện Quy hoạch báo chí, khi bắt tay vào đã phải giải quyết rất nhiều việc! Ví dụ như tôn chỉ mục đích phải xem lại, sắp xếp lại làm sao phải khớp với đúng cơ quan chủ quản để không bị hiểu nhầm. Trước đây có tình trạng một số cơ quan báo chí có tôn chỉ mục đích rộng hoặc có “vùng mờ” để có thể hiểu nhầm rằng, ngoài những vấn đề sát sườn tôn chỉ mục đích của mình thì có thể viết những vấn đề khác, nhiều khi cách hiểu ấy được vận dụng để viết những vấn đề mà chính cơ quan báo chí đó không hiểu rõ, không hiểu kỹ và có thể gây thực tế dường như“mạnh ai nấy viết”.

PV báo Tiền Phong tác nghiệp dưới hầm than. Ảnh: Hoàng Dương

Nhìn chung các cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch đã tuân thủ, chấp hành và cũng hiểu rằng quy hoạch mang lại nhiều thách thức nhưng cũng mang lại không ít cơ hội.

Theo tôi cách tốt nhất để nhìn nhận: coi quy hoạch báo chí là cơ hội để thay đổi. Cơ hội này không phải muốn đến lúc nào thì đến mà có tính bắt buộc. Tức là anh phải thay đổi. Nhưng trong cái phải thay đổi này nó mang lại cơ hội cho những người đã chuẩn bị kỹ càng. Cho nên nhận thức đúng về quy hoạch báo chí là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

Một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp lại theo quy hoạch tác động mạnh đến kinh tế báo chí, vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn, thách thức. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi rõ ràng quy hoạch là có tác động. Một số cơ quan báo chí khi chuyển sang tạp chí thì có cảm giác rằng ra ngoài liên hệ công tác là khó hơn. Nhiều hợp đồng quảng cáo, truyền thông khi đến thời điểm gia hạn khó khăn. Thậm chí có lác đác cơ quan, tổ chức bây giờ tổ chức hoạt động, sự kiện thì không mời tạp chí nữa…

Cái đó là khách quan và là hệ quả không mong muốn. Nó cho thấy mấy điều: Thứ nhất, quan hệ phải từ hai phía, hợp đồng hợp tác là quan hệ dân sự. Làm ăn kinh tế phải đến từ hai bên chứ không thể là sự ép buộc. Quy hoạch báo chí phần nào làm lộ ra việc cần thiết hay không cần thiết đến những mối hợp tác ấy nữa. Đây là dịp chúng ta khám sức khỏe lại, chúng ta có thực sự cần thiết cho xã hội nói chung và trong quan hệ với một doanh nghiệp cụ thể nào đó không? Cái này chúng ta phải sòng phẳng vì không phải chỉ là vấn đề quy hoạch báo chí. Quy hoạch báo chí đã làm nổi lên vấn đề mà trước đây không nổi lên và bây giờ đã trở thành bất cập.

Điểm thứ hai đó là cũng có cơ quan nghĩ rằng bây giờ làm tạp chí thì đưa tin làm gì nữa? Bây giờ viết sâu thôi nên hai bên sẽ hợp tác kiểu khác. Và quá trình hai bên đến với nhau phải đặt trên những luật chơi khác. Đây là vấn đề khách quan mà chúng ta phải vượt qua, điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng khó khăn là có nhưng là nhất thời. Vấn đề là sau khi thành tạp chí anh vẫn có bài viết hay, viết sâu và chứng minh rằng thật sự có ích cho cuộc sống, cho xã hội. Anh không làm báo theo kiểu ngày xưa được nữa!

Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn gì cho hoạt động của các tạp chí điện tử nhằm tránh tình trạng “báo chí hóa tạp chí”?

- Hiện nay rất nhiều tờ báo đã chuyển thành tạp chí về cơ bản là họ đều hiểu rằng họ phải làm gì! Tuy nhiên khi trao đổi với các cơ quan này sau chuyển đổi và nhận giấy phép mới, một số cơ quan vẫn nêu ra quan điểm cho rằng cả đời tôi chỉ biết làm báo thôi chứ tôi chưa biết làm tạp chí bao giờ, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đào tạo chúng tôi…

Về vấn đề này chúng ta phải sòng phẳng với nhau: ý muốn thành lập cơ quan báo chí là của cơ quan chủ quản và đến khi chuyển thành tạp chí thì đề án cũng của cơ quan chủ quản. Điều đó cho thấy là khi chuyển đổi, cơ quan chủ quản cũng phải có phương án rồi vì nếu không tại sao lại xin thành lập? Thứ hai, nghiên cứu trên mô hình quốc tế mà tôi chỉ là người nêu lại: Nhiều đồng chí lãnh đạo cho biết trên thế giới hiện nay còn có xu hướng tạp chí hóa. Tức là báo bây giờ mà đưa tin kiểu bề nổi như hiện nay thì không lại với mạng xã hội. Nhiều thông tin giống nhau; quan niệm và lý thuyết về đưa tin kiểu truyền thống đã bị tác động và thu hẹp, không còn cơ hội cho tất cả mọi người. Do vậy đã có xu hướng tạp chí hóa báo chí là như vậy.

Theo tôi có hai điều quan trọng được rút ra: Cơ hội không đến với tất cả mọi người mà chỉ đến với những cơ quan, những bộ óc đã được sự chuẩn bị. Chúng ta phải bàn về vấn đề này hoàn toàn thuần túy trên góc độ nghề nghiệp chuyên môn căn cứ xu thế quốc tế, hoàn cảnh Việt Nam và không được nâng quan điểm, đẩy vấn đề lên thành chính trị hóa.

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ gì với những người làm báo về những điều mà mình đang trăn trở?

- Thời gian gần đây có nhiều người nói về khái niệm báo chí tử tế như là một ước mơ, như là một sự đánh giá khi nhìn về 95 năm báo chí cách mạng. Chúng ta tự hào về đóng góp của nền báo chí với sự nghiệp cách mạng của đất nước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…Gần đây nhất chúng ta thấy đóng góp của báo chí trong phòng chống đại dịch COVID-19, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chấp hành các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng, góp sức vào thành quả chung đẩy lùi đại dịch.

Tôi có suy nghĩ không phải vào ngày kỷ niệm mà nói lời hoa mỹ đâu, nhưng chắc chắn xã hội luôn cần báo chí tử tế. Một khi báo chí tử tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội cần thì báo chí sẽ sống được. Chúng ta phải tin rằng báo chí tử tế sẽ sống được và thậm chí sống tốt! Chỉ có điều cái chữ tử tế này không dễ nói. Ai cũng nói tôi tử tế, tôi công tâm, tôi khách quan nhưng chưa hẳn. Đây là vấn đề cần được trao đổi.

Rõ ràng có rất nhiều tờ báo, người làm báo đang tạo ra giá trị tốt, nhiều quyết sách đúng đắn cho đất nước. Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí phải phản ánh được những dòng chảy chính và mang tính nhân văn; tạo nên sự đồng thuận và nuôi dưỡng khát vọng về Việt Nam hùng cường.

Cảm ơn ông.