Hôm qua, nhiều hàng người xếp hàng chờ mua báo Charlie Hebdo để ủng hộ tuần báo châm biếm này. “Tôi chưa từng mua báo này trước đây, vì nó không phù hợp gu chính trị của tôi. Nhưng việc tôi mua nó ngày hôm nay và ủng hộ tự do ngôn luận là rất quan trọng”, AP dẫn lời anh David Sullo, người đứng xếp cuối hàng hai chục người chờ mua báo trước một sạp báo ở trung tâm Paris.
Liên hiệp In ấn Quốc gia Pháp cho biết, tất cả số báo của Charlie Hebdo hôm qua được bán hết tại 27.000 đại lý khắp cả nước. Vì thế, lượng phát hành của số báo tới sẽ được nâng lên 5 triệu. Trước đó, đội ngũ Charlie Hebdo dự định in 3 triệu bản trong tuần này, gấp 50 lần lượng phát hành bình thường.
Trang bìa của số báo tuần này là bức tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed đang khóc, cầm tấm biển “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) bên dưới tựa đề “Tout est pardonné” (Tất cả được tha thứ). “Tôi viết dòng chữ “tất cả được tha thứ” và tôi đã khóc”, Renald Luzier, tác giả bức tranh, phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua tại tòa soạn tạm thời của nhật báo cánh tả Liberation.
“Đây là trang bìa của chúng tôi… Đó không phải hình ảnh mà những kẻ khủng bố muốn chúng tôi vẽ. Tôi không lo lắng chút nào… Tôi tin vào trí tuệ của người dân, trí tuệ của sự hài hước”, Telegraph dẫn lời họa sĩ Lizier. Bên trong số báo là nội dung biếm họa không liên quan giống như thường lệ. Trong một bức tranh có các tay súng thánh chiến nêu thông điệp: “Chúng ta không nên động đến người dân Charlie… nếu không họ sẽ giống như các chiến binh và khi đã lên thiên đường, những tên khốn đó sẽ đánh cắp các trinh nữ của chúng ta”.
Phản ứng trái chiều
Cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu đã hứng chịu nhiều đe dọa sau các cuộc tấn công ở Paris. Tổ chức quan sát quốc gia chống thành kiến Hồi giáo (Pháp) cho biết, có tới 60 vụ đe dọa và tấn công bằng các hình thức như ném bom xăng, đầu lợn vào các đền thờ Hồi giáo ở Pháp.
Cộng đồng Hồi giáo ở Hà Lan, Anh cũng bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng chống đạo Hồi. Về các sự kiện đẫm máu vừa qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng, Pháp đang trong cuộc chiến với chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, không phải với những người Hồi giáo.
Trong cuộc họp báo hôm qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của Charlie Hebdo đăng những điều như thế này. Một lần nữa, đó là điều diễn ra trong một nền dân chủ”. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói với kênh phát thanh 3AW rằng, ông “khá thích” tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed trên số báo mới nhất của Charlie Hebdo, vì nó đại diện cho “tinh thần tha thứ”.
Tuy nhiên, Đại giáo sĩ Ai Cập hôm qua cảnh báo Charlie Hebdo rằng, việc tiếp tục đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammed là hành động phân biệt chủng tộc, sẽ kích động sự thù hận và sự bực bội trong cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cho rằng, trang bìa lần này của Charlie Hebdo “làm tổn thương tình cảm của các tín đồ Hồi giáo khắp thế giới, và có thể châm ngòi cho một vòng cực đoan luẩn quẩn”.
Trong một đoạn phim được đăng tải trên YouTube, chi nhánh al-Qaeda tại Yemen (AQAP) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Tư tuần trước. Nasser bin Ali al-Ansi, người phát ngôn của nhóm AQAP, nói trong đoạn phim rằng, Ayman Zawahiri, thủ lĩnh toàn cầu của mạng lưới, đã ra lệnh tấn công Charlie Hebdo. “Charlie Hebdo lại đăng những bức tranh sỉ nhục nhà tiên tri và đây là hành động cực kỳ ngu ngốc”, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nói trong một thông báo được phát đi trên kênh radio Al-Bayan mà IS kiểm soát ở Syria và Iraq.
Trong khi đó, tuần san biếm họa lớn nhất của Pháp Le Canard Enchaine hôm 13/1 cho biết, chỉ một ngày sau vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo, Le Canard Enchaine nhận thư điện tử với nội dung đe dọa khủng bố. An ninh đã được tăng cường tại tuần san này và cảnh sát đã bắt đầu điều tra vụ việc.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhật báo Cumhuriyet nói rằng, cảnh sát đã dừng các xe tải của họ trước khi ra khỏi nhà in để kiểm tra nội dung báo, sau khi báo này chọn đăng một số biếm họa của Charlie Hebdo trước đó.
Xinhua đưa tin, chính quyền Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, vừa cấm đeo mạng che mặt ở nơi công cộng, nhằm “hạn chế chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng”. Theo nhiều nhà phân tích, việc chính quyền thông qua lệnh cấm này vào cuối tuần qua được cho là có thể khiến tình hình Tân Cương thêm tồi tệ. Gần một nửa dân số 3 triệu người ở khu vực này theo đạo Hồi, chủ yếu là tộc người Duy Ngô Nhĩ.