Hơn chục năm trước, bánh chưng vẫn còn là một cái gì đấy hơi “đặc sản” đối với người Việt Nam ở Đức. Nhớ lại những năm xa xưa, khi vẫn còn hai nước Đức, đối với người Việt Nam ở Đông Đức thì bánh chưng chỉ có trong trí tưởng tượng.
Sau khi thống nhất nước Đức đã lác đác xuất hiện bánh chưng trong các ngày Tết ở các gia đình người Việt Nam và có thể nói từ dăm bảy năm trở lại đây, không gia đình người Việt nam nào lại không có cặp bánh chưng bầy trên bàn thờ hoặc trên bàn ăn trong những ngày Tết.
Tết đến người ta tặng nhau những cặp bánh chưng và đó vẫn là một món quà có ý nghĩa nhất.
Còn nhớ trước đây chục năm, ngoài những chiếc bánh rất hiếm hoi được gói bằng lá chuối cả trong lẫn ngoài thì những chiếc bánh chưng “tự tạo” của người VN ở Đức đa phần vẫn được gói bằng “giấy bạc”.
Chỉ có một lớp lá chuối mỏng bên trong, luộc lâu đến đâu thì chiếc bánh cũng không thể xanh được. Thời đó, nhìn những chiếc bánh chưng trắng bệch từ trong ra ngoài mà nhiều người không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
Thế mà những chiếc bánh chưng “giấy bạc” vẫn được bán một cách ngon lành với giá 12 Mác Đức 1 chiếc (tương đương 6 euro), dù chỉ được gói bằng gạo nếp hạt dài của Thái Lan, không thơm mà cũng chẳng dẻo.
Nỗi nhớ về nguồn gốc và phong tục, truyền thống nhiều khi không thể tính được bằng những đồng tiền mạnh.
Trong bữa tiệc thịnh soạn hôm gần Tết tại nhà anh Nguyễn Bình Định - Chủ doanh nghiệp ở Chemnitz, nghệ sỹ Thanh Hoa “bị” chủ nhà tiếp cho một góc bánh chưng “khai vị”.
Có người kêu lên : “Trời đất, chị Thanh Hoa mới từ Việt Nam sang đây mà lại bắt chị ăn bánh chưng”. Thế nhưng chị bảo ngon lắm, chẳng khác gì bánh chưng ở Việt nam. Mọi người tin là chị khen thật chứ không khách sáo.
Dần dần các Cty xuất nhập khẩu đồ ăn châu Á của người Việt Nam xuất hiện. Họ có thể nhập khẩu trực tiếp rau quả và các loại hàng lương thực, thực phẩm từ Việt Nam sang phục vụ bà con cộng đồng.
Thế là những chiếc bánh chưng “giấy bạc” cũng phải nhường chỗ cho những chiếc bánh chưng “thật”, được gói bằng nếp cái hoa vàng và dăm bảy lớp lá dong hẳn hoi mà giá lại rẻ đi. Bây giờ ở tất cả các cửa hàng bán đồ ăn châu Á ở Đức giá mỗi chiếc bành chưng ngày tết đồng đều là 5 euro/cái.
Nhiều khi bánh chưng ngày tết ăn là để “nhớ” chứ không phải để “ngon”. Thế nhưng khi ăn phải một cái bánh dở thì người ta vẫn cứ cảm thấy không hài lòng và áy náy.
Nếu là bánh mua thì nhiều người còn cảm thấy tiếc tiền và thề: “Không bao giờ mua của cái nhà ấy nữa”. Thế mới biết bánh chưng đã trở thành “thương hiệu” của các nhà bán đò ăn châu Á của ngườ Việt ở Đức như thế nào.
Đảo một vòng qua các cửa hàng bán đồ ăn châu Á vào dịp Tết, người ta có thể thấy những chồng bánh chưng cao ngất. Về màu sắc bên ngoài thì xanh đậm có, xanh bạc do gói lá dong lật ngược cũng có.
Về kích cỡ và cân nặng thì cũng chênh lệch nhau đôi chút. Tuy dầy mỏng khác nhau nhưng mỗi cái trung bình nặng từ 1 - 1,2 kg. Cá biệt có bánh chưng của cửa hang bán đồ ăn châu Á T.H. ở Leipzig nặng tới… 1,6 kg.
Vậy ai là người gói bánh chưng ở Đức? Đó là các bà, các chị thường ngày vẫn nấu xôi, tráng bánh cuốn, rán quẩy… đem gửi bán ở các cửa hàng thực phẩm châu Á.
Ngày thường đôi khi họ vẫn gói những chiếc bánh chưng nho nhỏ để khi đói bụng nhiều người tạt vào “chợ” mà ăn những miếng bánh chưng rán cho chắc dạ.
Cửa hàng bán đồ ăn châu Á nào có nhân lực thì tự gói và luộc lấy bánh chưng ngày tết để bán. Ngoài ra, vẫn có nhiều người đặt lá dong, mua dăm ba cân nếp mang về nhà tự gói lấy để duy trì một phong tục truyền thống, vừa giúp họ đỡ nhớ quê hương vừa dạy cho con cái hiểu về cội nguồn, gốc rễ.
Năm nay, không một Cty nào nhập bánh chưng từ VN sang nữa. Người Việt ở Đức đã hoàn toàn tự túc được cho mình cái bánh ngày tết và tự hào về nó.
Có thể những bà con ở “vùng sâu vùng xa” – đó là ở các thành phố quá xa bên Tây Đức, những nơi rất thưa người Việt Nam - vẫn phải vất vả đi hàng trăm cây số để mua bánh chưng và những thứ hàng tết, nhưng chắc chắn không ai còn phải mua những cái bánh chưng gói bằng “giấy bạc” nữa.
Còn nhớ thời “bao cấp” ở VN, có khi chất lượng của một cái bánh chưng chỉ được đánh giá qua lượng nhân nhiều hay ít, nhất là xem có nhiều thịt ở bên trong hay không.
Sẵn cái nếp nghĩ ấy, lại ở cái nơi gạo nếp đắt hơn thịt này nên trước đây có những chiếc bánh chưng của người Việt Nam ở Đức bị mất tỷ lệ cân đối giữa nhân và gạo, vừa cắt ra đã vỡ vì quá nhiều đỗ và thịt ở trong.
Thế nhưng đến nay thì cái cảnh ấy không còn nữa. Bây giờ nếu ở Việt Nam tổ chức “Thi bánh chưng” thì bảo đảm bánh chưng của người Việt Nam ở Đức gửi về sẽ đoạt Huy chương vàng, nếu không thì chí ít cũng phải được giải khuyến khích.
Xuân Bính Tuất
Nguyễn Bình (Từ CHLB Đức)