Vướng và chịu nhiều áp lực
Theo TS Nguyễn Quang Trung- Đại học RMIT Việt Nam, hiện quá trình và xu hướng CPH, thoái vốn DN nhà nước vẫn còn có sự do dự, chần chừ từ một số người, chủ nghĩa thân hữu còn phổ biến, việc định giá tài sản thì rất phức tạp. “Trong khi đó, bán vốn nhà nước phải chịu áp lực rất nhiều trước công luận với các câu hỏi: có minh bạch không, có làm thất thoát vốn nhà nước không, có giữ được thương hiệu của DN không…”, ông Trung nói.
Từ thực tiễn và những vấn đề SCIC đang “vấp” phải kể từ khi Nghị định 32 (sửa đổi NĐ 91 ra đời và áp dụng từ 1/5/2018 ), một Lãnh đạo SCIC đã chỉ ra hàng loạt điểm vướng trong bán vốn. Đơn cử là: Tỷ sở hữu của SCIC tại DN quá nhỏ hoặc tuy tỷ lệ sở hữu không quá nhỏ nhưng ở DN này đã có cổ đông khác nắm giữ cổ phần chi phối (hơn 51%) nên các NĐT khác không muốn đầu tư mua cổ phần ở DN này; Hoặc do DN yếu kém thua lỗ kéo dài không có lợi thế đất đai; Hoặc do DN có mâu thuẫn nội bộ, có tranh chấp giữa nhóm cổ đông hay ban lãnh đạo DN có vi phạm pháp luật và đang bị xử lý. Nguyên nhân nữa là giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của NĐT; Bên cạnh đó, phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc; thời điểm bán vốn không phù hợp...
“Quá trình bán vốn gặp nhiều vướng mắc phát sinh. Vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm NĐT chiến lược. Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế khó đạt được cả 2 mục tiêu và tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo DN và người ký quyết định bán vốn”, vị lãnh đạo SCIC cho hay.
Một vướng mắc phát sinh nữa là thiếu quy định cụ thể về xác định giá cổ phần. Nghị định 32/NĐ-CP quy định giá cổ phần phải tính đúng tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài DN, giá trị số tiền trả tiền thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có). Nhưng giá trị văn hóa lịch sử thì định giá như thế nào… Để có cơ sở thực hiện các quy định này và hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thoái vốn, đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy định về xác định giá.
Chi phí bán vốn đang rất cao, nếu tổ chức đấu thầu quốc tế thì mất cả năm và thủ tục kéo dài, chi phí lớn… thuê tư vấn định giá và tổ chức bán cổ phần, cũng đang rất vướng. Theo NĐ 32, “DNNN phải lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá”. Như vậy DN phải thuê: công ty thẩm định giá để thực hiện xác định giá trị và thuê công ty chứng khoán để tổ chức bán cổ phần khiến chi phí thuê lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sửa nhanh kẻo tắc (?!)
Phát biểu tại hội thảo sáng 14/6 về “Hoàn thiện quy chế bán vốn tại DN nhìn từ các bên liên quan” (SCIC phối hợp với WB cùng đại sứ quán Australia tổ chức), ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho hay: nếu tính luỹ kế kể từ khi thành lập đến 31/12/2017, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN, và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 8.332 tỷ đồng, thu về 36.989 tỷ đồng (trong đó, riêng số tiền thu về từ đợt bán đấu giá 48,3 triệu cổ phiếu VNM của SCIC vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến). Tính chung số vốn thoái đã gấp 4,4 lần giá vốn với điểm nhấn công tác thoái vốn công khai minh bạch.
Liên quan tới bán vốn Nhà nước, ông Thành nêu vấn đề: có nhiều điểm quy định tại Nghị định 32 cần hướng dẫn cụ thể cho quá trình bán vốn. Việc hoàn thiện quy chế về bán vốn tại doanh nghiệp nếu làm tốt sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn - một trong những yêu cầu cấp bách Chính phủ đã đặt ra cho SCIC thời gian tới.
Theo ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc chương trình World Bank Vietnam, SCIC đã thành lập hơn 10 năm và đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Sebastian Eckardt nói rằng rất mong tại Hội thảo chúng ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm, có những bài học quan trọng cần được rút ra. “Work Bank sẽ cố gắng thu thập sàng lọc những bài học từ tích cực tới thất bại để Việt Nam có thể rút ra tránh những bài học không thành công từ quốc gia khác; ví dụ từ Singapore; Trung quốc, Maylaysia. Việc cải cách và đổi mới DNNN là một trong những ưu tiên rất cao của Chính phủ Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong bảo toàn và gia tăng giá trị do Chính phủ nắm giữ. Nó cũng giúp cho việc bán cổ phần tại DNNN trong những ngành nghề Nhà nước tốt hơn”, ông Sebastian Eckardt cho hay.
Đánh giá vai trò của SCIC trong hoạt động 10 năm qua, ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó trưởng Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp cũng nhấn mạnh SCIC đã tiên phong áp dụng cơ chế đặc thù và mang tính đột phá trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô và hầu hết đều rất thành công. Liên quan đến câu chuyện bán vốn Nhà nước tại SCIC, ông Dũng cho rằng SCIC đã thực hiện khá tốt, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn. Theo ông, cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với DN “chứ không chỉ có tiền không”. Cần chọn nhà đầu tư chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với DN.
“Xác định giá khởi điểm là một vướng mắc. Chính sự thiếu vắng quy định cụ thể về xác định giá trị DN dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn. Vì vậy để bảo đảm an toàn pháp lý DN đang chọn phương án có giá cao nhất cho dù với tình hình tài chính thực trạng DN, giá này đưa ra rất khó bán, thực tế đã có trường hợp cổ phần được mang bán tới 8 lần không xong”.
Lãnh đạo SCIC cho biết
Giai đoạn 2011 - 2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Tổng hợp kết quả hoạt động của 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%. Hiện có nhiều doanh nghiệp chưa cổ phần hoá được đều vướng mắc về vốn, tài sản, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa được nếu không có biện pháp tháo gỡ.