Bàn về thành lập chi nhánh đại học quốc tế tại Việt Nam

TPO - Tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học quốc tế muốn thiết lập chi nhánh nhưng gặp không ít khó khăn. Vấn đề này được bàn thảo tại diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học lần thứ 7 do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức hôm nay, 1/11.

Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Các chi nhánh quốc tế: cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển".

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự cạnh tranh không ngừng gia tăng, giáo dục ĐH đang trải qua những biến đổi sâu sắc.

Việt Nam, với vai trò là một quốc gia đang nổi lên, đã trở thành tâm điểm của xu hướng này bằng việc hằng năm số lượng sinh viên du học ngày càng tăng.

Chính vì vậy, các chi nhánh quốc tế (IBCs) đã và đang đóng vai trò là cầu nối quan trọng, cung cấp nền giáo dục đẳng cấp thế giới tại các quốc gia mới nổi nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giúp sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế chất lượng cao mà không cần đi du học.

Nhưng quá trình thành lập và vận hành các chi nhánh quốc tế là một hành trình đầy thách thức, bao gồm nhưng không giới hạn ở các rào cản về quy định và sự khác biệt về văn hóa.

Xuyên suốt các phiên thảo luận tại diễn đàn, các diễn giả cho rằng việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nắm bắt các cơ hội, giải quyết thách thức và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng là những yếu tố cốt lõi để phát triển IBCs tại các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.

Từ đó, đi đến thống nhất các nguyên tắc như vai trò của IBCs trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng; giải quyết thách thức; chất lượng và đổi mới sáng tạo trong giáo dục ĐH; tầm quan trọng của hợp tác liên tục.

Những nguyên tắc này phản ánh tầm nhìn chung về tương lai của giáo dục ĐH tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Hiện nay, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, có 5 trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, với khoảng 20.000 sinh viên, gồm: ĐH RMIT Việt Nam, ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV), ĐH Mỹ tại Việt Nam (AUV), ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam với nhiều điểm mới.

Trong đó, đáng lưu ý là cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất.

Phân hiệu cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động theo các tiêu chuẩn đào tạo và kiểm định của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài thành lập phân hiệu (tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn giảng viên không được thấp hơn quy định đối với cơ sở giáo dục Việt Nam).