Ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9

TP - Ngày 10/4, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị bệnh cúm A/H7N9.

> Công bố 4 kịch bản chống cúm H7N9
> Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đó, các ca bệnh nghi ngờ được xác định khi có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng 2 tuần như: Tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm A/H7N9; Tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín...); Tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A/H7N9.

Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, bao gồm: sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) tiến triển nhanh dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh Xquang); Không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết bệnh cảnh lâm sàng do virus cúm A/H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỷ lệ tử vong cao, vì vậy cần phải phân biệt với các trường hợp như: Cúm nặng khác (cúm A/H1N1 hoặc A/H5N1); Viêm phổi do các virus khác; Bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp; Viêm phổi nặng do vi khuẩn.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn được xuất viện đối với người nhiễm cúm A/H7N9 là khi hết sốt 5-7 ngày và mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường. Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.

Hiện nay, chưa có vaccine đặc hiệu với virus cúm A/H7N9 dùng cho người. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 thì không xếp chung người bệnh nghi ngờ với các người bệnh khác; những ca nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh.

Ngày 10/4, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các bệnh viện trực thuộc Sở đã sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.

Hiện ngành y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội phòng chống dịch cơ động túc trực 24/24 giờ, chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên phải lên đường. Đội được trang bị các phương tiện phòng hộ, cứu thương, thuốc, dịch truyền và các thiết bị cần thiết để phục vụ, cứu chữa bệnh nhân.

Hôm qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám phát hiện các trường hợp mắc viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân, các chùm ca bệnh, chụp X-quang, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, kịp thời các trường hợp cúm A/H7N9.

Chiều 10/4, UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu siết chặt kiểm tra, giám sát nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm.

Theo Báo giấy