Các hãng công nghệ lớn thường gặp phải một vấn đề mà ai cũng muốn có - đó là quá nhiều tiền mặt. Theo báo cáo được Moody’s Investors Service công bố hôm qua, các công ty phi tài chính của Mỹ đang nắm giữ 1.640 tỷ USD tiền mặt, tính đến cuối năm 2013. Đóng góp phần lớn là các đại gia công nghệ như Apple, Google hay Microsoft.
Apple dẫn đầu danh sách, với gần 159 tỷ USD. 10 năm trước, khi iPhone chưa ra đời, con số này chỉ là 5,5 tỷ USD. Nếu trải đều xuống sàn, núi tiền của Apple có thể phủ kín diện tích 1.600 km2. Tuy nhiên, họ chẳng mấy khi sử dụng chỗ tiền này.
Nhà kinh tế học John Maynard Keynes lý luận một công ty có 3 lý do để tích trữ tiền mặt. Đó là chi cho hoạt động sản xuất hàng ngày, đề phòng trường hợp kinh doanh giảm sút và chuẩn bị cho cơ hội đầu tư.
Apple chắc chắn không định sử dụng số tiền này để mua lại. So với các đối thủ, hãng chi rất ít cho việc mua công nghệ. Các thương vụ của họ cũng hiếm khi trên 1 tỷ USD.
Trong khi đó, Google đã chi hàng tỷ USD cho các website chia sẻ video, robot, công nghệ xe không người lái và cả phần mềm trí tuệ nhân tạo. Amazon cũng mua lại các hãng sản xuất robot, dịch vụ thương mại điện tử và phần cứng. Mới nhất, Facebook cũng chi hơn 20 tỷ USD trong hai tháng để có ứng dụng nhắn tin miễn phí và hãng công nghệ thực tế ảo (virtual reality).
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với Wall Street Journal, CEO Apple - Tim Cook cho biết hãng cũng nhắm đến vài công ty lớn, nhưng chưa có nhu cầu mua. "Chúng tôi chẳng cảm thấy cần phải tiêu tiền kể cả khi quyết định cứ lên danh sách 10 cái đi, rồi chọn cái tốt nhất. Apple sẽ không mua một thứ gì đó chỉ để tăng quy mô công ty", ông nói.
Tuy nhiên, việc này lại khiến các nhà đầu tư sốt ruột, điển hình như tỷ phú Carl Icahn. Họ muốn Apple trả cổ tức, mua lại cổ phiếu hoặc cả hai để giải phóng số tiền mặt khổng lồ.
Rick Lane, nhà phân tích tại Moody’s nhận định Apple có thể đang tích trữ tiền bạc phòng trường hợp xấu. Apple từng rơi vào "thời kỳ hết sức khó khăn", và phải "dựa một phần vào lòng tốt của người khác". Vì thế, để "tránh phụ thuộc vào thị trường hay biến động và tự bảo vệ mình, họ phải tích số tiền lớn để đề phòng".
So với Google, Apple dường như tập trung vào hiện tại hơn là tương lai. Theo New York Times, "Táo khuyết" có thể qua mặt các đối thủ nếu chi 160 tỷ USD tài trợ cho chương trình đưa người lên sao Hỏa của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA).
Hoặc họ có thể trích 20% số tiền trên, mua hãng xe điện Tesla. Sau đó sơn trắng, dán logo Apple và đặt tên là iTesla. Dĩ nhiên, hãng cũng có thể nhảy thẳng vào lĩnh vực xe không người lái có tương lai rất sáng sủa hiện nay. Khi ấy, họ có thể mua các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo và các công ty robot như Google đang làm.
Hoặc thiết thực hơn, Apple có thể tăng cường gắn kết với các hãng viễn thông. Dù tự tạo ra các sản phẩm như iPhone hay iPad, họ vẫn cần các nhà mạng như Verizon, AT&T, Sprint hay T-Mobile để kết nối các thiết bị này với dịch vụ âm nhạc, video và Internet.
T-Mobile được quảng cáo có dịch vụ Internet nhanh nhất hành tinh, hiện được định giá khoảng 26 tỷ USD. Sprint đắt hơn một chút thì cũng chỉ 37 tỷ USD. Nếu mua cả hai, Apple vẫn còn tới 90 tỷ USD.
Microsoft có lẽ rất thấu hiểu cảm giác hiện tại của Apple. Năm 2002, Microsoft cũng rất giàu có với 36 tỷ USD tiền mặt. Khi ấy, Bill Gates luôn cho rằng họ cần có đủ số tiền mặt để có thể vận hành trong một năm không doanh thu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư phản đối dữ dội và đòi trả cổ tức. Microsoft cố gắng trì hoãn, nhưng dưới sức ép lớn, họ vẫn phải trả khoản cổ tức đầu tiên. Và sau đó, ai cũng biết chuyện gì xảy ra với đại gia công nghệ cho đến tận ngày nay.
Theo Hà Thu