Theo kế hoạch bảo hiểm y tế quốc gia đưa ra năm 2008, các bác sỹ chữa trị cho bệnh nhân nghèo sẽ được nhà nước trả tối đa 30.000 rupee (tương đương 11 triệu đồng) mỗi ca.
Tuy nhiên, chương trình này đã bị các bác sỹ vô lương tâm lợi dụng. “Phụ nữ nghèo bị các bác sỹ đưa ra những lời khuyên sai lệch để cắt bỏ tử cung nhằm trục lợi”, bà Amar Agrawal, người đứng đầu cơ quan y tế bang Chhattisgarh cho biết.
Ngoài việc mất đi khả năng sinh sản, phụ nữ bị cắt tử cung thường bị loại bỏ buồng trứng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cắt bỏ buồng trứng liên quan đến tình trạng loãng xương sớm và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Bà nói thêm: “Theo thông tin tôi nhận được, đến nay, các bác sỹ này thu lợi tổng cộng 10 triệu rupee từ việc cắt bỏ tử cung của phụ nữ không bị bệnh”.
Chính quyền bang đã kiểm tra lại hơn 1.800 ca phẫu thuật cắt tử cung nhằm điều tra về cáo buộc lừa đảo này. Theo các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ, rất nhiều ca phẫu thuật được thực hiện bất hợp pháp.
Ông Raman Kataria, bác sỹ của một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Chhattisgarh, cho rằng, chính sách của chỉnh phủ đã bị lạm dụng do thiếu cơ quan quản lý bên ngoài và những hướng dẫn điều trị theo tiêu chuẩn.
Vụ bê bối tương tự cũng được truyền hình bang Andhra Pradesh đưa tin năm 2010. Rất nhiều phụ nữ thất học trong độ tuổi từ 20 - 40 của bang này bị cắt bỏ tử cung trái phép.
Dựa theo các tiêu chí về chất lượng dịch vụ y tế, trình độ học vấn, các nguy cơ về bạo lực tình dục, Ấn Độ được bình chọn là nơi sống tồi tệ nhất của phụ nữ trong khối các nước G20.
Phan Yến
Theo Dailymail