> Nhật, Mỹ dọa đánh chìm tàu sân bay Trung Quốc
> Triều Tiên: Du khách nước ngoài được phép mang điện thoại
Cuối tuần trước, các nhà ngoại giao ở LHQ tiết lộ rằng Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về dự thảo lên án CHDCND Triều Tiên vì vụ phóng vệ tinh hồi tháng 12-2012. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin xác nhận thông tin trên và nhận định dự thảo nghị quyết sớm được HĐBA LHQ thông qua trước ngày 27-1, theo RIA Novosti.
Dự thảo nghị quyết sẽ không đưa ra biện pháp trừng phạt mới mà chỉ kêu gọi mở rộng các biện pháp cấm vận hiện nay của LHQ đối với Triều Tiên. Khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 21-1 kêu gọi chung chung rằng HĐBA LHQ cần phản ứng bình tĩnh về vụ phóng vệ tinh trên, theo Tân Hoa xã.
Trong khi đó, giới chức tại LHQ nhận định rằng việc Trung Quốc ủng hộ dự thảo nghị quyết lên án CHDCND Triều Tiên là một cú đấm ngoại giao đáng kể đối với Bình Nhưỡng.
Ngày 18-1, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao nhận định: “Nghị quyết có thể không nặng (đối với CHDCND Triều Tiên - NV), nhưng động thái mới của Trung Quốc có ý nghĩa”.
Tương tự, Bloomberg đăng bài bình luận rằng quyết định mới của Trung Quốc cho thấy Triều Tiên đã có những tính toán sai lầm, đồng thời Bắc Kinh lo ngại Bình Nhưỡng ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Ngoài ra, báo South China Morning Post (SCMP) cũng vừa đăng bài phân tích Bắc Kinh ngày càng không hài lòng đối với Bình Nhưỡng. Theo bài phân tích, Trung Quốc đang nhắc nhở Triều Tiên rằng Bắc Kinh có quyền thông qua hoặc phủ quyết các nghị quyết của HĐBA LHQ gây ảnh hưởng lớn đối với Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, học giả Chu Phong tại Đại học Bắc Kinh cũng nhận định Trung Quốc đang cân nhắc nên duy trì quan hệ song phương như thế nào sau khi Triều Tiên công khai không muốn nghe theo nước này.
Không còn đối xử mềm mỏng ?
Cũng theo bài phân tích trên tờ SCMP, Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 của Trung Quốc gồm 7 thành viên sẽ cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Theo đó, Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thiếu những ủy viên có kinh nghiệm về các vấn đề về Triều Tiên.
Vì thế, Bắc Kinh không đạt nhiều hiệu quả trong việc thúc Bình Nhưỡng cải cách. Thế nhưng, Thường vụ Bộ Chính trị mới dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình lại có nhiều người thấu hiểu Triều Tiên hơn.
Ví dụ như các phó thủ tướng Trương Đức Giang, Lý Khắc Cường và Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài từng trải qua không ít năm tiếp xúc với quan chức Bình Nhưỡng. Những quan chức này hiểu rằng sự kiên nhẫn và sức ép liên tục là yếu tố chính để thúc đẩy Bình Nhưỡng cải cách và đi “đúng đường lối” mà Bắc Kinh mong muốn.
Xa hơn, theo phần kết luận của bài phân tích trên tờ SCMP, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới muốn nước này không bị “chơi khăm” bởi Triều Tiên.
Điều này giúp hạn chế những cản trở và diễn biến ngoài dự kiến để Bắc Kinh có thể tập trung thực hiện những mục tiêu đã đặt ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Vì vậy, cách đối xử mềm mỏng mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng sẽ phải kết thúc.
Hàn Quốc tăng tàu tuần tra đối phó tàu Trung Quốc
Chính phủ Hàn Quốc ngày 20.1 thông báo sẽ tăng cường truy quét những tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vùng biển mà Seoul tuyên bố chủ quyền. Theo đó, Seoul dự kiến điều 16 tàu tuần tra đến Hoàng Hải trong các mùa đánh bắt từ tháng 1-4 và tháng 10-12 tới đây.
Những người bị bắt về tội này sẽ đối mặt mức phạt 200 triệu won (gần 4 tỉ đồng). Yonhap dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho hay chiến dịch được các nhóm tàu từ 2-3 chiếc đảm trách và sẵn sàng trấn áp các hành động bạo lực từ ngư dân Trung Quốc. Trong năm nay, Seoul dự định chi ra 18,9 triệu USD để đóng thêm 1 tàu tuần tra 1.000 tấn và mua thêm 4 tàu cao tốc nhằm phục vụ các chiến dịch trên.
Trong diễn biến khác, một đoàn đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc vừa đắc cử Park Geun-hye đến Trung Quốc vào ngày 21.1. Phái đoàn sẽ thảo luận với giới chức chủ nhà về việc tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên cũng như các vấn đề song phương khác, theo Yonhap.
Theo Văn Khoa
Thanh Niên