'Bắc Kinh chưa đủ mạnh để làm theo ý muốn'

TPO - Trung Quốc tỏ ra khá thận trọng khi cục diện bán đảo Triều Tiên ngày một nóng lên. Hôm nay, 13-3, Hoàn Cầu có bài xã luận nói rằng, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh chưa đủ mạnh để có thể xoay chuyển tình thế theo ý muốn.

'Bắc Kinh chưa đủ mạnh để làm theo ý muốn'

> Lãnh đạo Triều Tiên: Chiến tranh có thể bùng nổ ngay bây giờ
> Binh lính Triều Tiên tăng cường diễn tập quân sự

TPO - Trung Quốc tỏ ra khá thận trọng khi cục diện bán đảo Triều Tiên ngày một nóng lên. Hôm nay, 13-3, Hoàn Cầu có bài xã luận nói rằng, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh chưa đủ mạnh để có thể xoay chuyển tình thế theo ý muốn.

Binh sĩ Triều Tiên tham gia tập trận, chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Cục diện bán đảo Triều Tiên đang tiếp tục leo thang, sau khi tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, tàu ngầm hạt ngân của Mỹ sẽ có mặt ở khu vực gần bán đảo trực chiến một thời gian, dư luận Hàn Quốc kêu gọi quốc gia này phải nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên liên tiếp tung ra những lời chỉ trích lẫn nhau, các nhà phân tích chiến lược đều chưa nhìn thấy lối thoát cho cục diện trước mắt.

Hoàn Cầu cho rằng, vai trò hiện nay của Trung Quốc quả thực tiến thoái lưỡng nan, dù là phía Triều Tiên hay phía Hàn Quốc, Mỹ, không bên nào chịu nghe lời cảnh báo của Trung Quốc. Cùng với đó, hai bên đều đưa ra yêu cầu cho Trung Quốc.

Triều Tiên mong muốn Trung Quốc phải hành động sao cho giống một “người bạn đích thực”, cam tâm tình nguyện chấp nhận chính sách hạt nhân sai lầm của quốc gia này. Còn phía Hàn Quốc, Mỹ lại mong muốn Trung Quốc thể hiện “đạo nghĩa đích thực”, gia nhập vào liên minh trừng phạt Triều Tiên.

Lính Triều Tiên cơ động ra xe pháo trong cuộc tập trận mới nhất.

Hoàn Cầu cho rằng, trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc thực sự chưa có giải pháp nào ổn thỏa. Nhìn bề ngoài, đáng lẽ Trung Quốc phải thể hiện trò của người trung lập, tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, cuộc chiến tranh Triều Tiên thế kỷ XX dường như đã mặc nhận vai trò của Trung Quốc, không ai cho rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò trung lập này.

Trung Quốc không thể bàng quan trước những xung đột trên bán đảo Triều Tiên, nhưng bản thân Bắc Kinh lại không thể can thiệp một cách có hiệu quả vào cuộc xung đột này, Trung Quốc không có một binh lính nào trên bán đảo, sức mạnh của quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên yếu hơn rất nhiều so với đồng minh quân sự Hàn Quốc – Mỹ.

Hoàn cầu cho rằng, Triều Tiên là tấm lá chắn chiến lược của Trung Quốc, câu nói này xét về tổng thể vẫn chưa lỗi thời, tuy nhiên, ngày càng có nhiều điểm nghi vấn xung quanh cách nói này được đưa ra.

Triều Tiên chung biên giới với Trung Quốc, việc quốc gia này thân thiện hay đối lập với Trung Quốc đều có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động bảo vệ không gian chiến lược của Bắc Kinh.

Triều Tiên cứng rắn với Hàn Quốc và Mỹ, khiến Washington phải nhượng bộ đối với Bắc Kinh trong chính sách ngoại giao địa chính trị. Những rắc rối cho Triều Tiên gây ra còn khiến Mỹ phải phân tâm về mặt chiến lược trong quá trình đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoàn cầu cũng khẳng định rằng, Trung Quốc ngày càng phải đối mặt trực tiếp với nhiều rắc rối xung quanh vấn đề bán đảo Triều Tiên, đôi lúc Triều Tiên có những hành động khiến Trung Quốc còn cảm thấy khó chịu hơn Mỹ.

Những phi công quân sự Bắc Triều Tiên sau khi nhận lệnh lập tức cơ động ra máy bay đã được lắp kín tên lửa.

Trung -Triều 'không phải bạn rất thân'

Hoàn cầu phân tích, vai trò quốc tế của Trung Quốc ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với hơn 50 năm về trước, cộng với việc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, mối quan hệ đặc biệt Trung Quốc – Triều Tiên có một “giai đoạn chân không” , Trung Quốc đã khó có thể kế thừa toàn bộ kết quả chiến lược của cuộc chiến tranh đó. Chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên ngày hôm nay cần phải lấy tình hình địa chính trị và lợi ích quốc gia của Trung Quốc làm điểm xuất phát, suy nghĩ này không có gì là sai.

Hoàn cầu thừa nhận rằng, Trung Quốc và Triều Tiên không phải là bạn bè “rất thân”, nhưng dù gì cũng là bạn bè. Ngoài ra ở Đông Bắc Á, Trung Quốc không có kẻ thù công khai, đây là hoàn cảnh chiến lược đặc biệt của Trung Quốc. Không có kẻ thù công khai nhưng cũng không có đồng minh mạnh mẽ ảnh hưởng đến cục diện bán đảo, Trung Quốc đang bị cục diện bán đảo Triều Tiên kéo đi một cách rất bị động, rất khó có thể đưa ra lời đánh giá tổng hợp cho tình hình địa chính trị của Trung Quốc.

Hoàn Cầu cho rằng, nếu thay đổi đột ngột chính sách bán đảo Triều Tiên sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhưng khi cục diện bán đảo thay đổi, nếu Trung Quốc không đưa ra bất kỳ sự điều chỉnh nào thì lại bị tụt hậu so với cục diện chiến lược ban đầu. Có lẽ Trung Quốc cần phải xem xét lại lộ trình của mình.

Hoàn Cầu cũng đưa ra câu hỏi rằng, phải chăng Trung Quốc đang cần một đồng minh ảnh hưởng đến cục diện bán đảo một cách hiệu quả hơn? Hoặc là Trung Quốc cần ngồi ở vị trí “trung lập” thực sự, tập trung phát triển những năng lực không bị hoặc ít bị ảnh hưởng bởi cục diện bất ổn của bán đảo.

Nếu Trung Quốc lựa chọn cách thứ nhất, tăng cường mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng là cách làm hiện thực nhất. Tuy nhiên điều này đòi hỏi Triều Tiên phải thừa nhận sẽ không tiếp tục gây chuyện thị phi, Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, bao gồm nhắc lại một cách công khai nghĩa vụ đưa quân sang viện trợ cho Triều Tiên khi nước này bị tấn công, khôi phục sự hợp tác giữa hai nước lên cấp độ quân sự, đem lại cảm giác an toàn cho chính phủ Triều Tiên.

Nhưng nếu làm như vậy đồng nghĩa với việc bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại cục diện như thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự ảnh hưởng của nó tới cục diện châu Á – Thái Bình Dương không nói cũng đã đủ hiểu. Và với vai trò là một quốc gia chủ quyền rất nhạy cảm, Triều Tiên có cần một “đấng cứu thế” như vậy hay không?

Nếu Trung Quốc lựa chọn cách thứ hai, đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đưa ra sự định vị chiến lược mới đối với Triều Tiên, sự biến động này chắc chắn sẽ rất lớn, Triều Tiên và Hàn Quốc đều sẽ không thích ứng lắm, dường như cách này rất khó thao tác.

Sự lựa chọn khả thi duy nhất của Trung Quốc xem ra vẫn là duy trì chính sách hiện hành trong mọi động thái. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do Trung Quốc không mạnh đến mức chỉ cần “nói một câu” là thay đổi được cục diện trên bán đảo, thực ra Trung Quốc vẫn chỉ là một “cổ đông nhỏ” trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, năng lực của Trung Quốc trong vấn đề này rất có hạn, Bắc Kinh không đủ khả năng nói thay đổi là thay đổi.

Cuối cùng Hoàn cầu khẳng định thêm rằng, Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc là hành động lên án những vấn đề bất hợp lý. Hiện tại Mỹ muốn cử tàu ngầm hạt nhân sang khu vực gần bán đảo, Trung Quốc cũng cần lên tiếng phải đối. Trung Quốc cần chủ động hơn, thẳng thắn hơn trong việc giải quyết các sự vụ ở bán đảo, sức mạnh hiện có của Trung Quốc hoàn toàn đủ mạnh để có thể thực hiện sự thay đổi này.

Huy Long
Theo Hoàn cầu

Theo Đăng lại