Bồi dưỡng lòng yêu nước
Tư tưởng then chốt trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm đến thanh niên là gì,
thưa ông?
Trong bản Di chúc Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân thì vấn đề thế hệ trẻ, thanh niên được Bác đặc biệt quan tâm. Bác đánh giá về thanh niên một cách rất sâu sắc: “Thanh niên ta nói chung là tốt”, như thế là đã hàm ý đánh giá đúng những ưu điểm của thanh niên nhưng cũng đồng thời Bác kín đáo nói những nhược điểm, hạn chế của họ nữa. “Nói chung là tốt” tức là vẫn còn đấy những nhược điểm, khiếm khuyết. Đấy là một thực tế. Trong nhiều tác phẩm nói về bệnh thanh niên, Bác phê bình bệnh ba hoa. Bệnh của thanh niên là bệnh đang trong quá trình trưởng thành, nó sẽ phát triển và nó sẽ trở nên tốt đẹp nếu được giáo dục, hướng dẫn một cách đúng đắn.
Tư tưởng then chốt trong Di chúc nói về thanh niên là ở chỗ Bác đặt niềm tin vào lớp trẻ là lớp người chủ chốt để xây dựng tương lai, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn”. Lớp người làm chủ tương lai đất nước là lớp thanh niên vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, cho nên Bác mới căn dặn Đảng ta “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác còn chỉ dẫn tỷ mỷ đến mức là đưa các cháu đi đào tạo cả về chính trị, lẫn chuyên môn, cả khoa học kỹ thuật nghiệp vụ, để thực sự là những người có khả năng xây dựng đất nước phát triển.
Thưa ông, ông có thể phân tích quan điểm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là quan trọng và cần thiết, và trong thời đại ngày nay cần bồi dưỡng những gì cho thế hệ trẻ?
Nó quan trọng ở chỗ, nói đến lớp trẻ là nói đến biểu tượng của tương lai, là sức sống, triển vọng của đất nước. Xã hội ngày càng phát triển, xu hướng phát triển xã hội hiện đại thì lớp trẻ, thanh niên chính là biểu hiện của sự hiện đại đó thông qua giáo dục, rèn luyện họ trưởng thành cả về tư duy, ý thức, kiến thức, trình độ nghiệp vụ; kể cả trong lối sống, kỹ năng hoạt động, ứng xử ở xã hội. Điều này thuộc về trách nhiệm của đoàn, các tổ chức thanh niên do Đảng hướng dẫn, giáo dục, rèn luyện.
Nội dung bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, kể cả trong Di chúc rất toàn diện: Phải bồi dưỡng lòng yêu nước. Sự phát triển của đất nước bây giờ được coi là cốt lõi của quốc gia cho nên giáo dục, bồi dưỡng thanh niên về lý tưởng cách mạng, về truyền thống lịch sử dân tộc vào lúc này là phải rất chú trọng bồi dưỡng lòng yêu nước. Ngoài bồi dưỡng lý tưởng cách mạng ra, thời điểm này cần nâng cao trình độ trí tuệ cho thế hệ trẻ. Đây là trọng trách của các nhà trường, các nhà giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Với tuổi trẻ bây giờ còn phải chú trọng rèn luyện kỹ năng, kể cả kỹ năng sống, tức là phải hợp với thời đại, ứng xử, làm việc theo nhóm; trong quá trình hội nhập sức sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam phải hòa đồng được vào sức sáng tạo của thế giới.
“Chúng ta hãy làm cho cái tốt, cái đẹp nảy nở như hoa mùa xuân, lan tỏa thành sức mạnh để bảo vệ, củng cố vững chắc niềm tin trong
xã hội”.
GS Hoàng Chí Bảo
Thanh niên cũng còn phải xuất hiện ngay cả trong đời sống chính trị cho nên chúng ta phải đào tạo lớp thanh niên trưởng thành trong thực tiễn, để họ trở thành những người lãnh đạo đất nước trong tương lai, kế tục sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra.Chúng ta phải rèn luyện cho thanh niên một tiềm lực về văn hóa. Các giá trị văn hóa như: Chân, thiện, mỹ; đạo đức công dân, kiến thức pháp luật,.. phải làm cho thanh niên hiểu biết và trở thành chủ thể sáng tạo văn hóa. Đem sức mạnh văn hóa xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh để chấn hưng đạo đức dân tộc, đấu tranh chống lại những cái xấu, tiêu cực, hư hỏng để kiến tạo những cái mới tốt đẹp, trong đó sự hiện diện của thanh niên là rất cần thiết.
Nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm
Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên không hề đơn giản, trong đó có việc bồi đắp, xây dựng niềm tin. Theo ông, cần làm gì để xây dựng niềm tin trong giới trẻ, để có được lớp trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi?
Niềm tin phải được giáo dục, được tổ chức rèn luyện chứ không phải tự phát. Vì vậy, muốn xây dựng được niềm tin khoa học đúng đắn, lành mạnh cho thế hệ trẻ, có một vấn đề đặt ra rất thời sự lúc này, đó là sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm của những người lớn. Người lớn phải làm gương cho lớp trẻ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, ngay cả cán bộ Đoàn cũng phải là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo, tạo điểm tựa tinh thần và động lực cho lớp trẻ đi theo cái đẹp, cái tốt. Chúng ta cần xây dựng những tấm gương thực sự đủ sức lan tỏa, truyền cảm hứng trên tất cả mọi lĩnh vực, để thanh niên lấy làm hình mẫu vươn lên, vượt qua những cám dỗ, vượt lên cái xấu, cái ác.
Nhưng điều quan trọng, muốn tuổi trẻ có niềm tin vào xã hội, đất nước, chúng ta cũng phải có niềm tin vào tuổi trẻ. Đánh giá lớp trẻ bây giờ, rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có chê bai, hoài nghi, cho rằng bạn trẻ bây giờ chạy theo thị hiếu phương tây, suy nghĩ lệch lạc mà không nhìn thấy được rằng bản thân tuổi trẻ là tốt, đầy tiềm năng sáng tạo. Còn hạn chế của tuổi trẻ, xã hội phải tự nghiêm khắc đánh giá, không chỉ đổ lỗi cho tuổi trẻ; lỗi về trách nhiệm xã hội, gia đình, nhà trường, đây cũng có phần trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Nếu chúng ta thực sự có niềm tin vào lớp trẻ với tất cả sự độ lượng, khoan dung văn hóa, tin cậy ở họ thì bản thân điều đó đã có sức mạnh thúc đẩy bạn trẻ phấn đấu.
Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần chủ động huy động sức mạnh xã hội để cùng giáo dục niềm tin, bồi dưỡng tình cảm cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp tập hợp thanh niên, giáo dục thanh niên qua các hoạt động xã hội, qua các chương trình ngoại khóa, nhất là chương trình, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, như Chiến dịch mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, hiến tạng,…
Xin cảm ơn ông.