Bác bỏ yêu sách 'đường 9 đoạn', hai nhóm tàu chiến Mỹ vào Biển Ðông

TP - Ngày 12/1, Mỹ công bố báo cáo chi tiết nhất từ trước đến nay để bác bỏ các yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông, phủ nhận cả cơ sở lịch sử và địa lý mà Bắc Kinh sử dụng cho những đòi hỏi chiếm trọn Biển Đông.

Trong tài liệu nghiên cứu dài 47 trang, Cục Đại dương, Môi trường quốc tế và khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra để chồng lên vùng biển của Philippines, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

“Trung Quốc đưa ra yêu sách trái pháp luật về chủ quyền hoặc quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông. Yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các vùng biển và đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”, tài liệu viết.

Khi công bố báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố một lần nữa kêu gọi Trung Quốc “dừng những hoạt động trái pháp luật và chèn ép trên Biển Đông”. Tài liệu này là bản cập nhật của một nghiên cứu từ năm 2014 về yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 3/2021 Ảnh: Maxar

Năm 2016, toà án trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh lập luận rằng nước này có “quyền lịch sử” đối với vùng biển. Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, yêu sách dựa trên quyền lịch sử đó “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc chưa từng nêu cụ thể.

Tàu đổ bộ USS Essex của Mỹ tập trận ở khu vực gần Philippines trước khi vào Biển Đông

Nguồn: Twitter

Tài liệu cũng lập luận về yêu sách của Trung Quốc từ khía cạnh địa lý, nói rằng hơn 100 cấu trúc mà Trung Quốc đánh dấu trên Biển Đông là những cấu trúc chìm khi thủy triều lên, do đó “nằm ngoài giới hạn lãnh hải hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào”. Bắc Kinh đưa những cấu trúc địa lý đó vào 4 “nhóm đảo” để đòi áp dụng UNCLOS 1982 cho cơ chế quần đảo, nhưng nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những “nhóm đảo” này không đáp ứng được các tiêu chí về đường cơ sở mà UNCLOS 1982 quy định.

2 nhóm tàu chiến mỹ vào Biển Ðông

Mỹ vừa điều một nhóm tác chiến tàu sân bay và một nhóm tàu trực thăng đổ bộ đến Biển Đông, nơi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc có đợt tập trận cách đây 2 tuần.

Tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson và tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp USS Essex cùng các tàu hộ tống đi vào vùng phía nam Biển Đông tối 11/1, Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông tại Bắc Kinh sử dụng dữ liệu AIS và thông tin nguồn mở cho biết.

Hải quân Mỹ vẫn chưa thông báo về kế hoạch, nhưng hai nhóm tàu tấn công này dự kiến sẽ cùng tham gia một đợt tập trận. Các tàu sân bay Mỹ đã có cuộc tập trận trên Biển Đông vào tháng 7/2020 và 2/2021. Tháng 10 năm ngoái, nhóm tàu sân bay Carl Vinson tập trận chung với tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật ở Biển Đông.

Đợt triển khai mới nhất diễn ra chỉ vài tuần sau khi Hải quân Trung Quốc tổ chức hai đợt tập trận đồng thời với tàu sân bay, trong đó có một cuộc trên Biển Đông. Đợt triển khai lần này diễn ra khi chỉ còn 3 tuần nữa là đến khai mạc Olympic Bắc Kinh và Tết Nguyên đán, giai đoạn mà Trung Quốc muốn tránh căng thẳng quân sự ở các khu vực gần nước này.

Trong khi tàu Sơn Đông tập trận trên Biển Đông trong tháng 12/2021, tàu Liêu Ninh được điều ra khu vực Tây Thái Bình Dương, vào thời điểm không có tàu sân bay Mỹ nào hiện diện ở đó.

Theo Hải quân Mỹ, nhóm tàu Carl Vinson tuần trước đến biển Celebes, khu vực nằm giữa Philippines, Indonesia và Malaysia, với 9 phi đội, trong đó có một máy bay chiến đấu tàng hình F-35C. Trong nhóm này có tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga USS Lake Champlain và đội tàu khu trục gồm 1 tàu tên lửa lớp Arleigh Burke.

Nhóm tàu đổ bộ USS Essex kết thúc chiến dịch kéo dài 3 tháng rưỡi ở Trung Đông từ tuần trước rồi đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Tàu USS Essex được tàu vận tải đổ bộ USS Portland và tàu đổ bộ USS Pearl Harbor hộ tống. Đơn vị viễn chinh và Hải đội đổ bộ số 11 cũng tham gia.

Tàu sân bay Sơn Đông thuộc lớp Kuznetsov của Trung Quốc vừa trở về cảng nhà ở thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam sau “đợt tập trận định hướng chiến đấu thực tế”, bao gồm bài tập hạ cánh máy bay chiến đấu, tìm kiếm và cứu nạn trên Biển Đông vào cuối tháng 12/2021.

Hình ảnh tàu Sơn Đông ở cảng Tam Á xuất hiện trên bản tin truyền hình hôm 5/1, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố bắt đầu chương trình huấn luyện quân sự của năm nay. Tàu sân bay Liêu Ninh cũng vừa trở về cảng nhà ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Hải quân Trung Quốc cho biết.