Ba nghìn học sinh Thủ đô được thi lại vì ra đề quá mới: Lỗi tại ai?

Gần 3 nghìn học sinh lớp 9 của một quận tại Hà Nội vừa phải làm lại bài thi do dạng đề thi quá đổi mới. PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục VN) cho rằng, thầy cô giáo cần được bồi dưỡng chuyên môn về ra đề đánh giá định kì theo môn học để không xảy ra lỗi như trên đây.
Học sinh khóc sau khi thi môn Toán vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm 2019 (Ảnh: Thuý Nga).

Thi gì học nấy

Theo PGS Chu Cẩm Thơ, đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Thông thường các nhà trường, các phòng Giáo dục/Sở GD&ĐT sẽ tổ chức đánh giá định kì về học tập vào giữa/cuối học kì, cuối năm học. Chức năng của việc đánh giá rõ ràng như vậy nhưng thực tế, nó đã gây ra khá nhiều “tội lỗi”.

Theo bà Thơ, do giáo viên, phụ huynh, học sinh… quá chú trọng việc đánh giá định kỳ, thành ra “thi gì học nấy” mà không coi trọng cải tổ quá trình dạy và học.

“Ma trận đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào…, người ta sẽ làm quen, ôn luyện, để có bằng được kết quả tốt. Nếu không, học sinh bị điểm kém, chất lượng của lớp/của trường không cao, giáo viên sẽ gánh tội”, GS Chu Cẩm Thơ nói.

"Tôi khuyến nghị các thầy cô giáo cần được bồi dưỡng chuyên môn về ra đề đánh giá định kì theo môn học, để chúng ta không còn mắc những lỗi như thế này", PGS Chu Cẩm Thơ nói.

Cũng theo PGS Cẩm Thơ, ngành giáo dục kêu gọi đánh giá quá trình học tập, tức là giáo viên phải dựa vào quá trình học của học sinh mà đánh giá, để “xác nhận kết quả học tập hoặc sự tiến bộ của học sinh (cá nhân)”.

Tuy nhiên, việc ra đề thi “đánh giá định kì” lại được ra theo kiểu “chuyên gia”, nghĩa là cá nhân/tập thể nhóm các giáo viên được cho là có chuyên môn hơn sẽ ra đề.

“Kiểu ra đề “chuyên gia” thì chắc là không thể bám sát được vào quá trình học của mỗi lớp học, phạm vi cũng khó có thể bao quát hết chuẩn’. Vì thế, rất dễ gây “tủ” dù khách quan đến đâu”, PGS Thơ cho hay.

Khi kiểm tra học kì biến thành phân loại/tuyển chọn

Chia sẻ quan điểm cá nhân về thực trạng ra đề ở các trường phổ thông hiện nay, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay, mình đã có nghiên cứu tại một trường có uy tín ở Hà Nội. Đây là trường có văn hóa trường học cao, rất quan tâm đến chuyên môn nên đánh giá của họ là minh bạch.

Tuy nhiên, khi nhà trường cùng chuyên gia này áp dụng phân tích đề, bà nhận thấy những câu Ban ra đề cho là “khó” thì học sinh làm rất dễ dàng, bởi đó là những câu quen thuộc với học sinh.

Thế nhưng, với những câu chỉ ở mức nhận biết, học sinh không làm được với lí do “em không thèm học”.

Được biết việc đánh giá cuối kỳ của học sinh lớp 9 của Hà Nội hiện không do các trường tự ra đề.

Theo đó, Phòng GD&ĐT sẽ ra đề thi chung cho các trường trên địa bàn quản lý để kiểm soát sát sao chất lượng.

Tuy nhiên, theo PGS Chu Cẩm Thơ, đây không phải kì thi có tính tuyển chọn. Nếu muốn biết chất lượng, phải dựa vào cả quá trình. Trong trường hợp này, bà cho rằng, cần xét xem mục tiêu giáo dục THCS là đạt chuẩn vào lớp 10 hay không? Công tác phân luồng sẽ ra sao? Những học sinh không muốn vào lớp 10 được đánh giá thế nào...

“Việc đánh giá cho phép chúng ta xác định, một là mục tiêu giáo dục được đặt ra có phù hợp hay không và có đạt được hay không, hai là việc giảng dạy có thành công hay không, học viên có tiến bộ hay không.

Tôi được biết từ năm 2014, ngành GD&ĐT đã chọn tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí về công tác kiểm tra, đánh giá và từ những năm sau đó, các chỉ đạo giáo dục phổ thông xoay quanh “đổi mới đồng bộ phương pháp, kiểm tra đánh giá”, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.

Chuyên gia này cũng chia sẻ rằng, chuẩn bị cho chương trình phổ thông 2018, chúng ta đang có cơ hội làm đúng, làm mới.

“Vì thế, tôi rất hy vọng, sự đổi mới của chúng ta không bị lặp lại ở những việc: tập huấn, bồi dưỡng cho có, với những lớp đông người nhưng quá ngắn về thời gian hoặc chỉ tập huấn lí thuyết mà không có “thực địa”.

Với vai trò Trưởng đơn vị của cơ quan chuyên sâu về Nghiên cứu đánh giá giáo dục, tôi khuyến nghị các thầy cô giáo cần được bồi dưỡng chuyên môn về ra đề đánh giá định kì theo môn học, để chúng ta không còn mắc những lỗi như thế này”, PGS Chu Cẩm Thơ khẳng định.

Theo Theo Dân trí