Trả lời phỏng vấn tờ Polsat News, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: “Việc phê duyệt là vấn đề thứ yếu. Chúng tôi mong sớm được Berlin chấp thuận, hoặc chúng tôi sẽ tự làm những gì mình phải làm.”
Ba Lan cân nhắc cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, và đang chờ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan và Đức làm điều tương tự để Ukraine có thể nhận được tới 100 xe tăng.
Thủ tướng Morawiecki nói rằng Ba Lan cần phải có sự đảm bảo từ các đồng minh rằng họ cũng sẽ gửi những chiếc xe tăng hạng nặng đến Ukraine. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy Văn phòng Thủ tướng Đức đáp ứng đề xuất”, ông nói.
Theo Thủ tướng Morawiecki, việc bổ sung hạm đội thiết giáp của Ukraine là cấp thiết, bởi vì Nga "có thể" triển khai một đợt tiến công mới sớm nhất là vào tháng 2, ông cho biết, trích dẫn ý kiến của các chuyên gia.
Nhà lãnh đạo Ba Lan cáo buộc Đức là một trong những quốc gia châu Âu “ít chủ động nhất” trong việc trang bị xe tăng cho Ukraine. Berlin được cho là muốn Mỹ “làm gương” trước khi cho phép chuyển xe tăng Leopard Đức đến Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tuyên bố nước này có “liên kết chiến lược” với đối tác trong vấn đề hỗ trợ Ukraine. Khi được hỏi về việc viện trợ xe tăng Leopard, lãnh đạo Đức nói rằng ông lo ngại nguy cơ xung đột Ukraine leo thang.
“Ukraine có thể dựa vào sự hỗ trợ của chúng tôi trong cuộc chiến kiên cường của họ, nhưng rõ ràng là chúng tôi muốn tránh việc biến điều này trở thành một cuộc chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Một nữ phát ngôn viên của chính phủ Đức nhấn mạnh hôm 13/1 rằng việc cung cấp xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine mà không có sự đồng ý của Berlin sẽ là bất hợp pháp.