Âu lo miệt biển

TP - Cơn bão số 11 vừa quét qua, tôi trở lại miệt biển xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), thấy có gì không ổn khi đi về hướng biển, nhìn những con thuyền vùi mình, im lìm trong cát, rệu rã...

> Điêu tàn sau cơn bão kép
> Miền Trung thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng vì bão số 11

Buồn hiu làng biển Bình Minh. ảnh: Nam Cường.

Chủ tịch xã Bình Minh, anh Trần Công Minh tự tin: Bình Minh đã tìm được lối thoát nghèo: xuất ngoại đánh cá. Không sai. Nhưng lúc này đây, khi cơn bão số 11 vừa quét qua, tôi trở lại miệt biển này và cảm thấy có gì không ổn khi đi về hướng biển, nhìn những con thuyền vùi mình, im lìm trong cát, rệu rã. Những chiếc thúng chỏng chơ, miệt biển buồn hiu hắt như chốn không người. 

Nỗi niềm người cha

Tôi hỏi anh Minh - Chủ tịch xã, rằng gần 150 tráng niên làng biển, đem hết sức vóc, kinh nghiệm bao năm bám khơi xa đi xuất ngoại, liệu nghề biển truyền thống của Bình Minh có còn? Anh Minh xoa xoa tay: không sao, không sao. Chúng tôi tính hết cả rồi. Nhiều người hỏi tôi câu đó. Nhưng chúng tôi đã có sẵn câu trả lời, thỏa đáng lắm.

Theo tính toán của vị chủ tịch xã, hiện còn 26 tàu bám biển Hoàng Sa, 99 chiếc gần bờ với khoảng 2 ngàn lao động biển. Vẫn là con số lớn. Điều đáng lo ngại là trào lưu lao động bỏ biển xuất ngoại đang rầm rộ, xã cũng hơi lo.

Hiện nay, Bình Minh đa phần bám biển trên 26 tàu xa bờ chủ yếu là lứa tuổi 40 - 50. Lớp trẻ, hoặc ra Đà Nẵng đi bạn, hoặc học tiếng, vay tiền chờ đi Hàn Quốc đổi đời.

“Lớp trẻ đi lao động nước ngoài, đó là cách tốt nhất để chúng tự tạo nguồn vốn. Khi trở về, có tiền sẽ đóng tàu, ra khơi bám biển giữ ngư trường. Khó có cách nào khác, khi sự hỗ trợ để đóng tàu mới cho ngư dân hiện rất khó khăn” - anh Minh nói.

Biết vậy, nhưng mấy chục tỷ phú trẻ, khi trở về từ Hàn Quốc mà lần trước chúng tôi ghé thăm nhà, ai cũng chọn cách kinh doanh, mở cà phê, chạy xe dịch vụ, mở quán internet, thành nhà thầu xây dựng…, mà chẳng thấy ai chịu đóng tàu cả.

 Chúng nó đi nước ngoài, làm có đồng ra đồng vô thì mừng, nhưng chẳng muốn đâu. Ở nhà đây, cha con sắm tàu lớn, kêu lao động, bám biển xa. Đói no cùng chịu, vẫn sướng hơn 

Ông Trần Công Tân

Tâm sự của ông Trần Công Tân- cha của 3 người con đang ở Hàn Quốc như một tiếng thở dài cho tương lai nghề biển. Căn nhà vợ chồng ông Tân, bà Thắm vẫn cũ kỹ.

Ông Tân nay ngoài 70, tóc muối tiêu, da đỏ, người chắc như tảng đồng hun. Giọng oang oang trong chiều tà. Sinh ở miền biển, lớn lên với biển, cả đời ông bám biển. 40 năm làm thuyền trưởng, bây giờ, khi 3 đứa con trai chối từ nghề nghiệp của cha, nghề của chính họ để theo tiếng gọi từ Hàn Quốc, ông Tân vẫn lầm lũi ngày ngày đan lưới, giong thuyền ra khơi.

Ông oang oang: “Nói chúng nó không nghe, thôi kệ. Làm cha mẹ, giúp được tí nào thì phải giúp nó thôi. Đứa nào cũng đòi bỏ biển nhà, sang làm thuê xứ Hàn. Lúc đầu tui cản, không cho. Nhưng cấm sao được, chúng nó có vợ con, gia đình cả rồi. Chúng nó nghỉ phép, về kể làm biển bên đó sướng hơn mình, nghĩ cũng được mà thu nhập lại cao”.

Cả mấy người con đã có gia đình, con cái, nhưng mỗi người đi đóng tiền cọc 200 triệu, bói không ra. Ông Tân đành bán tàu, chia nhỏ ra.

“Nói thẳng ra là tui lo lắm. Chúng nó đi nước ngoài, làm có đồng ra đồng vô thì mừng, nhưng chẳng muốn đâu. Ở nhà đây, cha con sắm tàu lớn, kêu lao động, bám biển xa. Đói no cùng chịu, vẫn sướng hơn”.

Vợ chồng ông Trần Công Tân có 3 con trai đã đi Hàn, mấy đứa còn lại cũng sắp đi.

Vợ ông, bà Thắm kể, ngoài 3 đứa đang ở Hàn, một đứa con gái chuẩn bị sang Nhật làm thợ may, một đứa làm du lịch ở Đà Nẵng. Còn thằng út đang học lớp 12, năm sau hết học cũng cho sang Hàn Quốc đánh cá nốt.

Bà Thắm kể: “Con bé làm ở Đà Nẵng, tốt nghiệp đại học loại giỏi mà lương tháng có 2,5 triệu. Sao sống nổi. Sức khỏe nó mà tốt tui cũng cho đi nước ngoài tuốt. Còn thằng út, chắc chắn phải theo chân anh nó. Ở làng này rồi cũng đi biển thôi, chi bằng đi biển bên đó”. Ông Tân buồn bã kể rằng, cứ đà này, đội tàu xa bờ rã đám sớm. “Lao động xong nó cũng không chịu quay về biển mình đâu”.

Làng vắng

Bão vừa quét qua và thật lạ ngư dân vùng này đi đâu hết cả. Hiếm hoi hơn những câu chuyện chồm sóng, xé gió, ứng phó bão cuồng. Hay những sẻ chia xốc lại ngư lưới cụ chuẩn bị cho mùa đánh bắt… Khơi xa, trong bờ vắng ngắt, hiu quạnh. Tàu thuyền bỏ không, quán hàng phục vụ ngư phủ ế ẩm.

Căn nhà của ông Trần Công Tân cũng im vắng. Mấy người con, gồm Minh, Cảnh, Tiên đã sang Hàn được mấy năm. Nhà bây giờ chỉ toàn đàn bà. Bà Thắm kể: Ngày trước chúng nó đi biển tháng về một lần, mưa bão có khi ở nhà dài dài. Lúc nào cũng vui vầy đông đúc, giờ trống hoác. Không khí ở của biển Tân An cũng ảm đạm, chỉ dăm người phụ nữ bán mấy mớ cá nhỏ mà chồng họ vừa đánh gần bờ về hồi sớm.

Chị Nhàn (Tân An), cũng có chồng đi Hàn Quốc, nói: Như thế này thôi, sáng sớm có mớ cá này là vui rồi. Đâu như năm trước, ngày nào cũng đông vui như chợ, cá lớn cá nhỏ về trắng cửa biển.

Làng Tân An giờ chỉ còn phụ nữ với nhau.

Tôi nhớ lại câu chuyện hơn 6 năm về trước, sau bão Chan Chu, khi ông Lương Hữu Trúc - Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) khoe rằng đã giải quyết được bài toán lao động cho đội tàu đánh bắt xa bờ mấy chục chiếc. Lời giải chính là hợp đồng ký kết giữa chính quyền quận Thanh Khê và xã Bình Minh, nơi hai địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện hết mức cho nhau phát triển nghề biển xa.

Bẵng một năm, gặp lại ông Trúc, hỏi thăm, ông lắc đầu ngao ngán: Bể rồi! Không khả thi, thôi đành chấp nhận, phần chủ tàu nào người đó lo. Phải nói thẳng, lao động biển ở Bình Minh là nơi tinh nhuệ nhất, ít nơi nào ở miền Trung bì kịp.

Thế nên, sau cơn bão Chan Chu, khi ngư dân trẻ đồng loạt bỏ biển, hàng chục chủ tàu ở Đà Nẵng đã quýnh lên. Đã là những ngư dân thiện chiến ở miền Trung thì sang Hàn Quốc, Malaysia, lao động Bình Minh càng được ưa chuộng.

Anh Lê Xuân Vệ (thôn Hà Bình, Bình Minh), mới về nghỉ phép, kể: Hồi đầu còn bỡ ngỡ vì tác phong công nghiệp của họ, nhưng chỉ vài tuần là quen ngay. Mình làm năng suất gấp đôi ngư dân họ nên tiền nhiều, họ quý.

Theo anh Vệ, cũng không đơn giản cho ngư dân Việt, bởi xứ Hàn quanh năm phải đối diện với băng tuyết căm căm. Ai không quen thường hộc máu mũi tháng đầu. Rồi câu chuyện chủ tớ cũng khiến ngư dân Việt vất vả. Ở họ, không có chuyện chủ tớ ăn cùng mâm, ăn nói phải lễ phép thưa hỏi. Nhưng thôi kệ, vì tiền, chấp nhận hết.

Anh Lê Văn Chiến - chủ tàu ĐNa 90251 (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng), kể: “Ở biển nhà, chúng tôi đãi ngộ cho bạn thuyền ngày càng tốt, lương nâng liên tục, cho ứng tiền trước mấy triệu. Lo đủ lương thực phẩm, cơm rượu, bò húc nước yến, thuốc lá hay bia. Nói chung lên thuyền không thiếu thứ gì. Vậy mà lao động ngày càng rời xa biển mình. Nghe nói họ xuất ngoại, giờ mới biết”.

Anh Trần Minh Hoàng (1983, Tân An, Bình Minh), người vừa thi rớt tiếng Hàn, buộc nằm nhà chờ kỳ thi tiếp, tính toán chi li: “Em thi rớt hóa hay. Có đậu cũng không tiền cọc mà đi. Lưng vốn trong tay được mươi triệu, ngân hàng cho vay 50 triệu. Đào đâu ra con số 140 triệu nữa? Họa hoằn bây giờ có số tiền đó, em cũng ở nhà luôn. Lấy tiền đó rủ bạn góp vào đóng tàu”. Hoàng là người duy nhất tính toán như vậy trong khoảng mấy chục trai làng Tân An trong diện chờ bay vì đã xong tất cả thủ tục, chỉ còn thiếu tiền mà chúng tôi đã gặp.

Chủ tịch xã Trần Công Minh trấn an: Còn một cái hay nữa quên chưa nói. Đó là lao động biển sang đó sẽ học được cách thức khai thác văn minh, hiện đại. Mùa nào khai thác loại cá nào, lớn hay nhỏ. Đánh bắt sai quy trình là họ phạt cao lắm. Bởi thế mới có nguồn hải sản dồi dào, bởi thế lao động nghỉ phép 2 - 3 tháng trong năm mà vẫn có lương.

Lao động ta khi về nước, họ có vốn đóng tàu, có kiến thức khai thác hiện đại. Lo gì Bình Minh không phát triển nghề biển? Vâng! Niềm tin và kỳ vọng ấy của vị chủ tịch xã ai cũng mong muốn.

Nhưng thực tế mà chúng tôi đã thấy, đã tường, đã chứng kiến ở miệt biển này khiến những người đau đáu với biển quê hương âu lo. Đó là, những tỷ phú tha hương trở về và họ không còn mặn mòi với biển…

Theo Báo giấy