Ẩu đả với bạn, chiếc đũa 'mắc kẹt' trong hốc mắt người đàn ông suốt 4 năm

TPO - Sau một cuộc nhậu, người đàn ông ẩu đả với bạn và bị đâm vào hốc mắt. Suốt 4 năm trời, chiếc đũa bị bỏ quên bên trong hốc mắt nhưng bệnh nhân hoàn toàn không biết.

Ngày 13/6, thông tin từ Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM cho biết sáng cùng ngày, các BS của BV đã phẫu thuật lấy thành công chiếc đũa dài 7 cm, kẹt bên trong hốc mắt của bệnh nhân L.T.L (40 tuổi, ngụ Lagi, Bình Thuận).

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 4 năm, trong một lần ẩu đả với bạn sau buổi nhậu, người đàn ông bị bạn mình dùng vật nhọn đâm vào hốc mắt. Sau đó, ông được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu và cho uống thuốc. Một thời gian sau, chỗ vết thương liên tục mưng mủ, xuất hiện ổ áp xe.  Tuy nhiên, khi đến khám tại BV, bệnh nhân chỉ được rạch áp xe và cho về nhà.

“Tôi không biết bên trong mắt mình có dị vật, chỉ thấy vài hôm thì nó lại sưng đau và có mủ. Khám ở huyện thì được chẩn đoán bị áp xe túi lệ phải nhưng điều trị mãi không hết”, Bệnh nhân kể lại.

Theo BS CK II Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng Khoa Mũi xoang BV Tai Mũi Họng cho biết bệnh nhân đến BV thăm khám trong tình trạng áp xe chảy mủ ở phía trong mắt bên phải. Qua kết quả CT-SCAN cùng khai thác bệnh sử, các BS nhận định bệnh nhân có một dị vật đi từ hốc mắt đến bờ trước xoang bướm  và nằm ở hóc mắt xương sàng. Đánh giá về cấu trúc các xương sàng của bệnh nhân, BS Hớn cho rằng nhờ cấu tạo có tế bào onodi (tế bào sàng nằm ở phần sau nhất so với tất cả các tế bào sàng khác chạy dọc theo phần sau trên của xoang bướm) nhỏ và dầy nên giữ dị vật lại không đi sâu hơn, đó là điều may mắn cho bệnh nhân. “Nếu dị vật đi sâu hơn có thể gây đứt dây thần kinh thị dẫn đến việc bệnh nhân bị mù hoặc đâm sâu qua sàng sọ làm chảy dịch não tủy gây nguy hiểm đén tính mạng của bệnh nhân”, BS Hớn nói.

Hình ảnh dị vật được lấy ra từ hốc mắt của bệnh nhân.
Sau khi hội chẩn, các BS đã đi đến kết luận sẽ giải quyết tình trạng bệnh nhân bằng phương pháp mổ nội soi. Cấu tạo của tế bào onodi giúp dị vật không đi sâu hơn nhưng cũng là một khó khăn cho ê-kip phẫu thuật vì nó tạo thành bờ chắn lại, không thể rút dị vật ra ngoài. “Dị vật dài khoảng 7 cm, là một chiếc đũa, dính chặt với những tế bào mô xung quanh. Xuyên từ khóe trên hốc mắt qua xương sàng đến xoang bướm. Trải qua 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công”, BS Hớn cho biết.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Theo PGS TS BS Trần Phan Chung Thủy, giám đốc BV Tai Mũi Họng, tỉ lệ những ca dị vật đâm xuyên xương sàng thế này khá hiếm, trong 25 năm qua, bà chỉ gặp khoảng 2 ca tương tự. “Đây cũng là ca tương tự mà dị vật bị bỏ quên lâu nhất”, BS Thủy nói.