Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 7/8.
Ông có cho rằng việc Asean và Trung Quốc vừa thông qua phần khung Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông là bước đột phá hay tiến triển đáng kể?
Đây không phải đột phá mà là bước đi tất yếu, dù nhỏ nhưng tích cực, cho thấy hai bên thực sự nghiêm túc làm việc nhằm ổn định tình hình biển Đông, tiến tới duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Ông có thể cho biết những nội dung trong phần khung COC là gì?
Khung COC cơ bản đã được thống nhất sau 4-5 cuộc họp ở cấp làm việc và lãnh đạo cấp SOM của Asean và Trung Quốc đã thảo luận để thống nhất những nội dung liên quan đến cấu trúc, nội hàm chính của COC, cơ sở pháp lý, mong muốn hai bên đạt được…
Trong đó đề cập rằng COC sẽ mang tính ràng buộc pháp lý hay không?
Đó là chỉ là khuôn khổ, là nội dung chính, nên một số nội dung vẫn để ngỏ, như mức độ ràng buộc về pháp lý, cơ chế giải quyết tranh chấp khi có COC nhưng vẫn phát sinh tranh chấp…
Được biết Asean và Trung Quốc sẽ bắt đầu thương lượng COC vào tháng 11 năm nay. Vậy Việt Nam kỳ vọng gì vào điều này?
Thật ra Trung Quốc gọi là trao đổi, tham vấn chứ không phải đàm phán. Hai bên đã có khung COC, nhưng từ khung ra được COC là bước đi dài, còn mất nhiều thời gian. Kỳ vọng của Việt Nam là muốn có COC thực chất, làm nền tảng tiến tới xây dựng COC đầy đủ, có ràng buộc về pháp lý và có hiệu lực trong quản lý tranh chấp cũng như xử lý các vấn đề khác ở cả khu vực biển Đông, chứ không chỉ trong quan hệ Asean – Trung Quốc.
Yên tĩnh lạ thường
Sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Trung Quốc do Philippines đệ trình, việc Trung Quốc thống nhất với Asean để đưa ra khung COC có phải cách Trung Quốc khiến người ta nghĩ rằng tình hình biển Đông đang hạ nhiệt?
Sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc và Asean đã có nhiều cuộc trao đổi với nhau, trong đó có cuộc họp ở Côn Minh vào tháng 6 năm ngoái, rồi đến tháng 9 lãnh đạo cấp cao ngồi với nhau tại Vientiane, Lào, và thống nhất được 3 nội dung: thứ nhất là lập đường dây nóng giữa các bộ ngoại giao các nước Asean và Trung Quốc để xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, thứ hai là áp dụng Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) để xử lý các vụ việc, nhưng chỉ dùng cho hải quân; thứ ba là hoàn thiện khuôn khổ COC vào giữa năm nay. Việc thông qua khung COC là để thực hiện một trong ba cam kết của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với Asean. Đó là bước tiến cho thấy Trung Quốc đã cam kết và thực thi nghiêm chỉnh. Dù đó là bước tiến nhỏ và để đạt được COC như chúng ta mong muốn thì còn cả một chặng đường dài.
Những gì đã xảy ra cho thấy Trung Quốc tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC) nhưng vẫn vi phạm, vẫn bồi đắp và quân sự hóa biển Đông, nên có ý kiến cho rằng dù Trung Quốc và Asean đưa ra khung COC hay sau này đạt được COC thì Trung Quốc vẫn sẽ nói một đằng làm một nẻo. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Thực ra đến bây giờ họ mới thông qua khung COC ở cấp bộ trưởng, nên nếu nói họ nói một đằng làm một nẻo thì phải có thời gian để chứng minh chuyện đó. Nhưng ít nhất những cam kết mà họ đưa ra từ tháng 9 năm ngoái đến nay họ đã thực hiện xong. Sau này họ thực hiện như thế nào cần thời gian mới kiểm chứng được.
Đánh giá về tình hình biển Đông, Trung Quốc nói rằng hiện nay đang là giai đoạn “hạ nhiệt”, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thực chất không phải vậy vì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện các kế hoạch quân sự hóa của họ trên biển Đông. Vậy ông đánh giá tình hình biển Đông hiện nay như thế nào?
Hơn 1 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài, tôi phải dùng từ “ổn định bất thường” để mô tả về tình hình biển Đông hiện nay. Dự đoán ban đầu là sau phán quyết sẽ có những hành động trả đũa, tình hình sẽ bất ổn, nhưng đến nay thì mọi việc lại yên tĩnh lạ thường. Trong sự yên tĩnh đó có những động thái, những chuyển động bất thường, ví dụ như việc Philippines và Trung Quốc điều chỉnh chính sách, Trung Quốc tiếp tục sự hiện diện và quân sự hóa các đảo. Những dấu hiệu đó cho thấy sự bất thường. Nhưng ổn định vẫn tốt hơn nếu tình hình phức tạp hơn. Dù sao đi nữa vẫn phải nỗ lực để quản lý nó.
Cảm ơn ông.