Chống thất thu ngân sách nhà nước
Theo Tổng Cục Thuế, đối với mặt hàng nông sản (trồng trọt và chăn nuôi do nông dân trực tiếp sản xuất, bán ra), quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC và thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thuộc diện không chịu thuế GTGT. Hộ kinh doanh thu mua hàng hóa nông sản để bán ra sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân tại khâu bán ra.
Thời gian qua, Cục Thuế Đắk Lắk đã có đề án chống thất thu đối với hoạt động mua, bán sầu riêng tại huyện Krông Pắk được triển khai theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng của tỉnh Đắk Lắk.
Để thực hiện việc này, UBND huyện Krông Pắk đã có văn bản hướng dẫn thủ tục về đăng kinh doanh nông sản. Theo đó, trường hợp cá nhân (thương lái) từ địa bàn khác đến Đắk Lắk thu mua sầu riêng và vận chuyển ra khỏi địa phương không phải nộp thuế tại địa bàn thu mua, nhưng phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi vận chuyển.
Nếu thương lái thu mua trực tiếp của nông dân phải có bảng kê thu mua hàng hóa, phải xác định rõ tên, địa chỉ, số lượng, giá trị hàng hóa thu mua của nông dân thuộc đối tượng được miễn thuế. Nếu thương lái thu mua của chủ vựa phải có hóa đơn do chủ vựa xuất để chứng minh chủ vựa đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, đa số các hộ kinh doanh sầu riêng đã thực hiện đăng ký kinh doanh và khai thuế, nhưng vẫn còn một số hộ chưa chấp hành tốt và không hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, các cơ quan chức năng căn cứ quy định Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính để ấn định mức thuế đối với các hộ kinh doanh này.
Việc đoàn liên ngành huyện Krông Pắk thu thuế đối với các vựa thu mua sầu riêng tại địa phương này là đúng với quy định của pháp luật và được tính theo giá cả thị trường của mặt hàng chứ không áp dụng cố định. “Đây không phải là truy thu thuế của người nông dân trồng sầu riêng mà chỉ áp dụng đối với các hộ kinh doanh thu mua sầu riêng không đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế”, Tổng Cục Thuế khẳng định.
Tổng Cục Thuế cho rằng, hoạt động chống thất thu đối với việc kinh doanh sầu riêng đã được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, trong nhiều năm qua. Các hoạt động chống thất thu này vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa đảm bảo công bằng theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trước đó, nông dân và nhiều hộ kinh doanh sầu riêng ở huyện Krông Pắk bất bình trước việc sẽ bị thu thuế theo Nghị định 92/2015 của Bộ Tài. Theo đó, mỗi kg sầu riêng phải thêm khoản thuế 600 đồng (1kg sầu riêng giá 40.000 đồng x 1,5% = 600 đồng). Tương ứng 1 xe container sẽ bị thu 9 triệu đồng (theo cách tính 1 xe container tương đương 15.000 kg x 600 đồng thành số tiền 9 triệu).
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu (Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Cty Chánh Thu), trụ sở ở tỉnh Bến Tre) cho biết, trước đây, Cty chỉ đóng thuế môn bài, thời vụ, nhưng năm nay địa phương đưa ra chính sách thu thuế quá cao, quá đột ngột khiến doanh nghiệp rất bức xúc.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một mặt chúng tôi phải mua sầu riêng vì đã ký cam kết, mặt khác phải tự tìm đầu ra. Áp thuế lúc này chẳng khác gì làm khó cho doanh nghiệp”, bà Thu bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản cho rằng, nếu áp thuế này, họ sẽ điều chỉnh lại giá cả, chắc chắn giá sầu riêng sẽ bị giảm xuống. Nông dân sẽ gánh chịu phần thuế này.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẳng định, việc thu thuế hiện nay đảm bảo đúng quy định. “Hàng ngày, các tổ công tác tại xã sẽ giám sát, theo dõi và khi kiểm tra các đơn vị kinh doanh khai báo số lượng hàng trên xe. Khi bốc hàng lên xe để vận chuyển (trường hợp chở về kho sẽ có bộ phận theo dõi và báo lại) sầu riêng xuất đi thì được tính thuế theo sản lượng như trên”, bà Trinh nói.