Áp lực như 'nghề' hiệu trưởng trường đại học tư thục

TPO - Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, hàng loạt trường Đại học (ĐH) tư thục thay hiệu trưởng. Chỉ những người ở “trong chăn” mới biết vì trí này “nóng” đến mức nào.

Trăm dâu đổ đầu hiệu trưởng

Đầu tháng 11, PGS.TS Đỗ Văn Xê thông báo từ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vì lý do sức khỏe và lui về làm cố vấn cho ông Đặng Thành Tâm. Ông Đỗ Văn Xê được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm 2018 sau khi có 9 năm làm Phó hiệu trưởng ở Trường ĐH Cần Thơ.

Cũng trong tháng 11, trường ĐH Gia Định thông báo đã bổ nhiệm ông Võ Trí Hảo, nguyên Giám đốc Ban ĐH, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng làm hiệu trưởng nhà trường. Trước đó hiệu trưởng trường này là ông Hà Hữu Phúc, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM (nghỉ hưu từ tháng 4/2018) được bổ nhiệm từ tháng 10/2018. Sau một số bất ổn trong nội bộ, trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM đã có hiệu trưởng mới là TS. Nguyễn Anh Tuấn, trước đó là phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường.

Trước đó, năm 2018, chỉ trong vòng 1 năm, trường ĐH Hoa Sen đã trải qua 4 đời hiệu trưởng.

TS. Đàm Quang Minh cũng vừa chuyển giao chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế). TS. Minh từng là hiệu trưởng của các Trường ĐH FPT, Thành Tây, Phú Xuân. Cả 3 trường này đều là trường ĐH tư thục với những áp lực riêng.

Theo TS. Đàm Quang Minh kể khi mới bắt đầu với “nghề hiệu trưởng” trường ĐH FPT, ông đã từng có những đêm mất ngủ. Vì vừa phải lo rất nhiều thứ trong trường vừa phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, càng về sau, khi đã quen, ông đã xem nghề hiệu trưởng như nghề giám đốc và những áp lực phải đối mặt là chuyện đương nhiên.

TS. Minh chia sẻ, đằng sau một hiệu trưởng trường ĐH tư thục hiện nay là áp lực tăng trưởng, áp lực chất lượng, áp lực đổi mới. Ba thứ áp lực đó mỗi hiệu trưởng phải đối mặt hằng ngày. Tùy giai đoạn mà áp lực nào sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, thông thường thì áp lực tuyển sinh/tăng trưởng là thường xuyên nhất. Các áp lực này cũng tùy thuộc nhiều vào mỗi chủ sở hữu trường đặt lên vai của mỗi hiệu trưởng mình thuê.

Áp lực lương trăm triệu

Một hiệu trưởng trường ĐH tư thục vừa nộp đơn xin nghỉ cho biết khi đầu tư vào một trường ĐH, gần như nguồn thu duy nhất của chủ đầu tư là học phí sinh viên.

Những chủ đầu tư đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở, trả lương cao mời lãnh đạo, giảng viên giỏi... thì nguồn thu yêu cầu hằng năm cũng phải nằm trong mức kỳ vọng. Trách nhiệm tuyển sinh ở một định mức đặt ra được giao lại cho các hiệu trưởng.

Cũng theo nguyên hiệu trưởng này, mức lượng của hiệu trưởng được thỏa thuận phần lớn từ trách nhiệm về định mức tuyển sinh đó (bên cạnh một số nhiệm vụ khác cũng như quy mô nhà trường). Mặt bằng chung lương hiệu trưởng hiện nay đã vượt hơn 100 triệu đồng/tháng, thậm chí gấp 3 lần con số này. Nhưng áp lực cũng lớn lên tương ứng theo mức lương.

Ngoài ra, hiệu trưởng còn có thể chịu một áp lực khác rất dễ xảy ra là mâu thuẫn về phương hướng phát triển với chủ đầu tư. Nhất là khi phương hướng phát triển nhà trường của hiệu trưởng và nhà đầu tư không thống nhất được với nhau.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, khi giáo dục được vận hành theo cơ chế thị trường thì chủ đầu tư luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên đầu. Điều này nhiều khi sẽ dẫn đến mâu thuẫn với người điều hành trường ĐH chính là các hiệu trưởng.

Trong ngày chính thức rời chức vụ hiệu trưởng, trao đổi với báo chí, PGS. Đỗ Văn Xê cho biết, trong thời gian hơn 2 năm lãnh đạo nhà trường, điều ông tâm đắc nhất là hoàn chỉnh bộ máy, tạo ra quy trình hoạt động trong nội bộ trường sau một thời gian dài trường lâm vào bất ổn nội bộ nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu ấn của nhà trường với xã hội chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng. Hai năm vừa qua, những bất ổn trong nội bộ của trường này đã phần nào được giải quyết, nhưng vấn đề tuyển sinh và thương hiệu của trường lại là trở ngại lớn.

Đánh giá về vị trí hiệu trưởng của các trường ĐH tư thục hiện nay, một chuyên gia cho rằng, hiệu trưởng đang phải giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên là điều hành nhà trường để hoạt động. Kế đến là uy tín của trường đối với xã hội, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay điều ảnh hưởng nhất đến vị trí hiệu trưởng là vấn đề tuyển sinh.

Nếu thời gian kéo dài mà không hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh thì ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trường. Do đó hội đồng trường phải xác định phương án tuyển sinh đột phá hơn, trong đó có giải pháp thay đổi hiệu trưởng để thực hiện những bước đi mới. Hiện các trường ĐH tư thục tại TP.HCM đang cạnh tranh hết sức khốc liệt nên sẽ rất khó khăn cho bất kỳ ai nhận nhiệm vụ hiệu trưởng.