> Xoá đói, giảm nghèo bằng nuôi trồng dược liệu
Những thành tựu lớn trong công nghệ dược phẩm (bao gồm cả công nghệ nano) gắn liền với những nghiên cứu sinh khả dụng đã tạo nên những sản phẩm đặc biệt có giá trị cao trong điều trị, góp phần đưa y học thế giới có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp vì mục tiêu sức khỏe con người.
Những tiến bộ trong công nghệ dược phẩm ngày nay đã không chỉ nhắm tới các sản phẩm tân dược mà chính các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên cũng là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp dược phẩm, kể cả các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới.
Ngày nay, có thể nói, thế giới đang bước vào thời đại khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống ở mọi lĩnh vực, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhất chính là sức khỏe con người. Người ta muốn hướng tới những sản phẩm tự nhiên có giá trị cao, có lợi cho sức khỏe, đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Những thành công trong nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y dược đã khám phá ra những tác dụng kì diệu của nhiều loại cỏ cây – dược liệu trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người. Đây chính là lý do để thuốc từ dược liệu đang ngày càng được coi trọng và sử dụng nhiều. Theo đánh giá của WHO, tổng giá trị dược liệu và thuốc từ dược liệu trên thế giới hiện nay vào khoảng 80 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia nằm trong số ít các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển và được coi là chính thống trong mạng lưới y tế. Tính riêng Trung Quốc, với dân số chiếm 1/6 dân số nhân loại, với thị phần thuốc cổ truyền hơn 40% tổng giá trị nhu cầu thuốc điều trị (chưa kể xuất khẩu) sẽ thấy giá trị của nền y học cổ truyền phương Đông, trong đó thuốc đóng vai trò quyết định. Việt Nam có tiềm năng to lớn về dược liệu bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu tính đa dạng sinh học. Ước tính nhu cầu thuốc từ dược liệu của Việt Nam cũng phải 70 – 90.000 tấn dược liệu mỗi năm trong tương lai gần.
Ngày nay thuốc có nguồn gốc tự nhiên không chỉ được sử dụng ở những nước đang phát triển với con số 80% dân số sử dụng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (theo đánh giá của WHO). Mà chính ngay ở những nước phát triển, như WHO đánh giá, thuốc thảo dược đã được sử dụng rất phổ biến như là một liệu pháp bổ trợ và thay thế (ở Canada 70%, Úc 48%, Pháp 49%, Mỹ 42%, Bỉ 31%...).
Với nhu cầu phát triển nhanh chóng các sản phẩm thuốc có nguồn gốc tự nhiên, không thể thiếu sự tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ để có được những sản phẩm đạt tới những giá trị cao, đặc biệt là đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, và chính khoa học công nghệ đã tạo nên tính cạnh tranh cũng vừa là động lực thúc đẩy tốc độ phát triển các dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Thuốc đông y hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền (TRM) chính là thuốc của nền y học phương Đông, với những bản sắc và tinh hoa đang ngày càng được thế giới biết đến nhiều. Đông dược là thuốc có nguồn gốc tự nhiên nhưng kỹ thuật bào chế lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của y lý y học cổ truyền – nền y học có những đặc thù riêng trong kỹ thuật bào chế.
Để có thể phát huy thế mạnh trong kế thừa và phát triển thuốc y học cổ truyền với việc áp dụng công nghệ cao trong chế biến, phải tìm hiểu tính kế thừa và tính khả thi trong phát triển công nghệ trên cơ sở những đặc điểm riêng biệt, độc đáo của kỹ thuật bào chế cổ truyền.
Vấn đề áp dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc đông y chính là giải pháp để có thể hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền, con đường tất yếu để phát triển thuốc cổ truyền.
Hiện trạng:
Chủ trương của Chính phủ với quyết định 43/2007/QĐ – TTg đã phê duyệt đề án phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến 2020 đã nhấn mạnh: “ Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu Việt Nam và thuốc y học cổ truyền, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, xây dựng ngành công nghệ bào chế thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền thành một phần quan trọng của ngành dược Việt Nam.” Và mục tiêu cũng đã được cụ thể hóa là đảm bảo số lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền đạt 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu có tính chiến lược trong phát triển dược Việt Nam, giải pháp đã được đưa ra là tập trung nghiên cứu và hiện đại hóa công nghệ chế biến, sản xuất các thuốc có nguồn gốc dược liệu.
Mặc dù công nghệ dược phẩm rất phát triển cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã ngày càng làm phong phú, đa dạng các loại dược phẩm nhưng trong trên thực tế rất ít các công trình nghiên cứu về bào chế được công bố. Đặc biệt đối với các thuốc có nguồn gốc tự nhiên, những công bố chỉ dừng lại ở những kết quả nghiên cứu phát hiện tên cây, sự phân lập và xác định cấu trúc hóa học, đánh giá hoạt tính sinh học, tác dụng dược lý, độc tính…. Các công nghệ bào chế để tạo ra các chế phẩm đặc hiệu đã trở thành các bí quyết công nghệ mang tính cạnh tranh độc quyền của nhiều doanh nghiệp dược phẩm.
Trong đề án phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020, Nhà nước Việt Nam cũng đã đưa ra chủ trương tăng cường đầu tư nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước… cho thấy công nghệ cao chính là chìa khóa then chốt cho sự phát triển.
Trung Quốc có nền y học cổ truyền phát triển hàng đầu thế giới với hàng vạn chế phẩm có tiếng như An cung ngưu hoàng được dùng trong điều trị tai biến mạch máu não. Khai thác thế mạnh của một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thuốc y học cổ truyền, phát triển các chế phẩm trung dược đã đưa Trung Quốc trở thành một nền công nghiệp dược phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Dược điển Trung Quốc 2005 có trên 550 chế phẩm thuốc y học cổ truyền với đủ các dạng từ bột, cốm hòa tan, thuốc nước, thuốc hoàn, viên nang, viên nén, tới các loại thuốc dùng ngoài như cao dán, mỡ… đặc biệt còn phát triển các chế phẩm ở dạng thuốc tiêm. Thuốc ở dạng hoàn vẫn chiếm đa số cho thấy có sự chú trọng trong việc giữ gìn bản sắc của thuốc y học cổ truyền. Mặt khác, kỹ thuật sản xuất thuốc hoàn khá đơn giản và có thể áp dụng ở các loại quy mô từ thủ công tới quy mô công nghiệp. Thuốc dạng hoàn hiệu quả điều trị không mạnh vì phần lớn đi từ bột dược liệu và một tỉ lệ đường mật khá cao ( trừ những thuốc có chứa thành phần đặc biệt quý như sừng tê giác, sâm nhung… hoặc không công bố). Đây chính là điểm hạn chế lớn của dạng bào chế thuốc hoàn.
Các sản phẩm dạng mới có trong Dược điển Trung Quốc chủ yếu cũng chỉ giới thiệu các phương pháp điều chế rất thường quy trong quy trình ( tán bột, nấu cao, trộn đều…) chưa thể hiện sự tối ưu trong giải pháp công nghệ để tạp nên sản phẩm có giá trị cao mặc dù có sự đầu tư để nâng cao chất lượng kiểm nghiệm.
Dược điển Việt Nam IV 2009 mới chỉ đưa vào 23 chế phẩm thuốc y học cổ truyền gồm các bài cổ phương ở các dạng truyền thống: cao, đơn, hoàn, tán.
Thuốc sản xuất trong nước, thị trường thuốc có nguồn gốc tự nhiên cũng khá phong phú. Hiện đã có tới gần chục ngàn chế phẩm đi từ dược liệu ( kể cả thuốc và thực phẩm chức năng). Ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm thuốc y học cổ truyền là lựa chọn mang tính chiến lược của nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước như OPC 26, Traphaco, DPTW 1, DPTW 2, DPTW 24, DPTW 25, Mediplantex, Fitopharma, BV – pharma, DP Nam Hà, DP Hậu Giang…
Thị phần thuốc có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu thuốc sử dụng trong nước. Trong đó nguyên liệu nhập cũng chiếm tới 60 – 70% ( nhiều nguyên liệu theo con đường không chính ngạch, trôi nổi). Nhìn thấy những lợi ích lớn từ phát triển các sản phẩm thuốc y học cổ truyền, nhiều doanh nghiệp dược phẩm đã nỗ lực đầu tư, áp dụng công nghệ cao trong chế biến, bào chế thuốc y học cổ truyền. Nhưng có thực tế là sự am hiểu về thuốc cũng như những kỹ thuật bào chế cổ truyền còn nhiều hạn chế ( có nhiều điểm khác biệt trong kỹ thuật bào chế so với thuốc tân dược và thuốc từ dược liệu).
Hiện nay cả nước có 322 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, bao gồm 80 doanh nghiệp sản xuất lớn, trong đó có 12 doanh nghiệp đạt GMP – WHO, tăng rất nhiều lần so với thập niên trước, chỉ có vài xí nghiệp dược phẩm chuyên Đông dược ( miền Bắc điển hình nhất có XNDPTW 3, miền Nam có XNDPTW 26 – OPC). Cả nước có 780 cơ sở kinh doanh dược liệu và thuốc phiến, 1046 cơ sở đại lý thuốc y học cổ truyền.
Nắm bắt được nhu cầu phát triển công nghệ bào chế thuốc từ dược liệu, một số đơn vị đã có những đầu tư công nghệ chiết xuất – cô dược liệu ở quy mô khá hiện đại ( Phytopharma, BV – pharma, XN Hóa dược VN tại Bắc Ninh, OPC 26… ) và coi đó là giải pháp hữu hiệu trong việc tạo ra các sản phẩm từ dược liệu. Một số doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư cho sản xuất đạt GMP, GLP, GSP như Traphaco, Mediplantex, XNDPTW 3, Nam Hà….
Toàn quốc có 62 bệnh viện y học cổ truyền ( 59 bệnh viện công và 3 bệnh viện tư) và mỗi bệnh viện đều có khoa Dược trực tiếp sản xuất, chế biến thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện. ngoài ra còn có 89 bệnh viện tây y có khoa hoặc bộ phận y học cổ truyền, 79% số xã có hoạt động y học cổ truyền, có 6575 cơ sở hành nghề y học cổ truyền với 8150 giường bệnh y học cổ truyền, chiếm 7,7% tổng số giường bệnh. Tuy nhiên chưa có những quy trình bào chế chuẩn chung cho các cơ sở, mỗi cơ sở tiếp cận phương pháp bào chế chưa hoàn toàn thống nhất trong điều kiện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa kể việc không có đủ điều kiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước và sau chế biến, chất lượng các chế phẩm…). Thị trường dược liệu bất ổn, chưa được kiểm soát cũng tác động tới tất cả các cơ sở sản xuất thuốc đông dược, trừ các doanh nghiệp dược phẩm lớn và Bệnh viện Y học cổ truyền TW có các điều kiện để quan tâm kiểm tra chất lượng.
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ Y học cổ truyền đã phối hợp cùng với các chuyên gia đầu ngành về y học cổ truyền cố gắng biên soạn chuẩn hóa quy trình kỹ thuật – bào chế cổ truyền nhằm giúp các cơ sở nâng cao chất lượng bào chế, kiểm nghiệm. Cho tới nay cũng mới chỉ ban hành lần thứ nhất được 85 vị ( Danh mục thuốc thiết yếu y học cổ truyền hiện nay có 310 vị).
Áp dụng công nghệ trong phát triển kỹ thuật bào chế thuốc cổ truyền ( dạng phiến):
Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc cũng có thể coi là tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, đưa tiến bộ công nghệ vào sản xuất theo hướng hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi cơ sở lý luận của y học cổ truyền, bào chế cổ truyền có những đặc điểm kỹ thuật độc đáo riêng. Muốn áp dụng công nghệ cao trong chế biến phải nắm rõ bản chất, ý nghĩa của những phương thuốc bào chế cổ truyền với cách nhìn hiện đại.
Hiện đại hóa các kỹ thuật bào chế cổ truyền nếu được vận dụng theo cả cách nhìn hiện đại và cổ truyền sẽ tạo nên sản phẩm có năng suất và chất lượng cao. Chất lượng cao của thuốc cổ truyền còn bao hàm ý nghĩa có hiệu quả cao trong điều trị và an toàn trong sử dụng. Bản sắc của thuốc cổ truyền quyết định chất lượng của thuốc.
Vấn đề áp dụng công nghệ cao trong chế biến thuốc cổ truyền là điều mà nhiều doanh nghiệp dược phẩm đang hướng tới. Tuy nhiên những hạn chế trong nắm bắt ý nghĩa của các kỹ thuật bào chế cổ truyền đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả điều trị của nhiều sản phẩm. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và chứng minh tính khoa học trong nhiều phương pháp chế biến cổ truyền.
Bào chế cổ truyền trên thực tế cũng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nhìn nhận như một lĩnh vực chuyên môn nằm trong hệ thống y dược. Xét về bản chất, bào chế cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng vì cùng chịu sự chi phối của y lý y học cổ truyền. Tuy nhiên nhìn ở góc độ “phương pháp luận”, có thể thấy sự khác nhau rõ rệt. Bào chế cổ truyền của Việt Nam ( theo các tài liệu được lưu truyền) coi trọng “Lửa” và “Nước”, coi đó là yếu tố cần thiết, cơ bản cho những quá trình chế biến. Chính vì vậy, các phương pháp bào chế cổ truyền được chia làm 3 phương pháp chính:
- Phương pháp dùng lửa ( hỏa chế).
- Phương pháp dùng nước ( thủy chế).
- Phương pháp dùng cả lửa và nước ( thủy hỏa hợp chế).
Nhìn từ góc độ của công nghệ bào chế hiện đại, có thể nhận thấy có tính khoa học, có sự tương đồng trong cách tiếp cận phương pháp bào chế cổ truyền của Việt Nam. Các quy trình kỹ thuật của công nghệ bào chế hiện đại phải tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật mà trong đó yếu tố quyết định là các thông số kỹ thuật: nhiệt độ, thời gian, dung môi, phương thức tiến hành… và đó cũng là các bí quyết công nghệ.
Các phương pháp chế Trung dược ( thuốc y học cổ truyền Trung Quốc) được phân thành 14 phương pháp, trong đó 6 phương pháp được coi là cơ bản được xây dựng căn cứ vào dịch phụ liệu:
- Chế rượu ( Trung dược tửu chế pháp)
- Chế giấm ( Trung dược thố chế pháp)
- Chế muối ( Trung dược diêm chế pháp)
- Chế gừng ( Trung dược khương chế pháp)
- Chế mật ( Trung dược mật chế pháp)
- Chế dịch thuốc ( Trung dược dược chấp chế pháp)
Trên nền tảng của sự kế thừa các kỹ thuật được lưu truyền lại, các nhà khoa học trong và ngoài nước ( chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc) trong những thập niên trở lại đây đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu ý nghĩa của các phương pháp chế biến cổ truyền, coi đó như là một trong những giải pháp không thể thiếu để phát triển, hiện đại hóa thuốc cổ truyền.
Có 6 ý nghĩa cơ bản của bào chế cổ truyền đã được nhận định cùng với những minh chứng khoa học: bào chế cổ truyền làm thay đổi tính năng của vị thuốc, làm tăng tác dụng, giảm độc tính, điều khiển tác dụng của thuốc, làm giảm tác dụng phụ, và tăng khả năng bảo quản.
Những nghiên cứu về ảnh hưởng của bào chế tới tính năng tác dụng của thuốc đã được tiến hành thông qua việc xác định mối liên quan giữa tác động của bào chế và sự thay đổi thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, tác dụng dược lý,… của vị thuốc đã cho thấy cơ sở khoa học của kỹ thuật bào chế cổ truyền.
Những thí dụ điển hình của chế biến có thể làm thay đổi tính năng của vị thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Cố giáo sư Ngô Văn Thông đã cho thấy sự biến đổi hàm lượng đường khử từ Sinh địa ( Radix Rehmaniae glutinosae) của Việt Nam là 9,5% khi thành Thục địa ( Radix Rehmaniae glutinosae praeparata) bằng phương pháp “Cửu chưng cửu sái” đã tăng lên 27,8%. Hàm lượng Iridoid glycosid cũng được tăng từ 0,3% ở củ Địa hoàng lên 1,09% rồi lại giảm còn 0,6% ở thành phẩm Sinh địa dưới tác dụng của nhiệt độ và enzym trong các giai đoạn ủ ( Phạm Xuân Sinh, Phùng Hòa Bình, Vũ Văn Điền, Lê Xuân Huê). Một nghiên cứu đáng chú ý khác của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy với các phương pháp chế khác nhau đã cho Địa hoàng ( Rhizoma Rhei) có công dụng khác nhau. Đại hoàng dùng sống làm thuốc nhuận tràng, chống táo bón. Chế Tửu đại hoàng có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc hóa ứ để chữa các bệnh do nhiệt độc gây ra. Thổ chế đại hoàng có tác dung hoạt huyết, hóa ứ. Thán chế đại hoàng có tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt… có sự khác nhau về hàm lượng Anthraquinon của đại hoàng ở các dạng chế khác nhau. Trần Vân Hiền, Nguyễn Thị Minh Tâm và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu bào chế và xác định sự khác nhau về thành phần hóa học giữa mẫu sống và mẫu chế bằng HPLC đối với Hà thủ ô ( Radix Fallopiae multiflorae). Nghiên cứu cho thấy có sự biến đổi về lượng cũng như về chất trong quá trình bào chế. Dân gian vẫn biết đến tác dụng của Hà thủ ô trong chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, nghiên cứu đã phần nào chứng minh tác dụng chống oxy hóa của Hà thủ ô khi khảo sát có sự thay đổi về hoạt tính chống gốc tự do, chống peroxy hóa lipid của các dịch chiết ethyl acetat từ Hà thủ ô sau chế biến.
Bào chế cổ truyền có thể làm tăng tác dụng của thuốc đã được một số nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc [ Hui Cao, Xiao Tao Wang] lý giải như làm tăng tính hòa tan của alcaloid trong Huyền hồ khi chế với giấm, hoặc hạn chế men phân hủy hoạt chất rutinase ở Hòe hoa ( Flos Sophorae) khi sao và Baicalinase ở Hoàng cầm ( Radix Scutellariae) với phương pháp đồ…
Điểm nhấn trong bào chế cổ truyền là bào chế để giảm độc tính và hạn chế tác dụng không mong muốn. Nhiều nghiên cứu đã xác định qua bào chế có sự biến đổi thành phần hóa học cả về lượng ( quantity) và về chất ( quality) đối với những dược liệu có độc tính cao. Những nghiên cứu xác định độc tính ( LD50, LD, Độc bán trường diễn) cũng được tiến hành trên thực nghiệm để khẳng định ý nghĩa của bào chế. Độc tính của vị “Phụ tử chế” chỉ còn 1/5000 lần so với trước chế biến ( Phạm Thanh Kỳ và cộng sự).
Một nghiên cứu gần đây trong chế biến Thần sa – Chu sa ( Cinnabaris) bằng phương pháp thủy phi ( Nguyễn Thị Minh Tâm, Trần Quốc Bình, Đỗ Thị Oanh, Nguyễn Thị Kiều Anh và cộng sự) đã chứng minh ảnh hưởng của quá trình thủy chế đã loại bỏ dần và hoàn toàn độc tố ( các muối thủy ngân hòa tan) và đạt tới hàm lượng HgS > 98% theo quy định ( Dược điển Trung Quốc 2005). Nghiên cứu của Phạm Xuân Sinh, Hoàng Kim Huyền và cộng sự đã cho thấy độc tính của Hạnh nhân ( Semen Armeriacae amarae) giảm rõ rệt sau chế biến, nhưng tác dụng giảm ho, long đờm không thay đổi. Một trong những kết quả về vị thuốc Bán hạ ( Rhizoma Typhonii devaricati) đã cho thấy không còn chất gây ngứa trong Bán hạ chế ( Phùng Hòa Bình và cộng sự). Một nghiên cứu khác đối với Hoàng liên ( Rhizoma Coptidis) của Phạm Thị Phương Anh, Phùng Hòa Bình đã chỉ ra rằng độ độc của Hoàng liên chế ( chích gừng, chế giấm) được giảm hẳn sau chế.
Việc áp dụng công nghệ cao cùng với trang thiết bị phù hợp nhằm hiện đại hóa phương thức bào chế vẫn phải mô phỏng theo 6 mục đích, ý nghĩa đã được đúc kết và nhìn nhận dựa trên sự kết hợp cổ truyền và hiện đại. Từ đó khảo sát đưa ra các thông số kỹ thuật phù hợp để mở rộng quy mô sản xuất bằng những tiến bộ công nghệ mới trong các công đoạn của quy trình sản xuất như rửa, ủ, thái, sao, tẩm, nấu… hay trong việc phối hợp chất phụ gia, tá dược.
Những kinh nghiệm thu được trong quá trình hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền TW đã cho thấy việc đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng thuốc y học cổ truyền là có thể thực hiện được. Các công đoạn từ rửa, ủ, thái, sao, tẩm, nấu, chế biến…thuốc phiến đều có thể cơ giới hóa bằng các trang thiết bị có nguyên lý hoạt động phù hợp với yêu cầu của kỹ thuật chế biến cổ truyền.
Áp dụng công nghệ cao trong phát triển chế phẩm thuốc y học cổ truyền:
Một trong những đặc điểm độc đáo và đặc thù của thuốc y học cổ truyền là vấn đề phối ngũ, điều mà các nhà bào chế luôn quan tâm.
Nhiều tương tác có lợi của các thành phần có trong bài thuốc đã được ghi nhận và tạo cơ sở cho việc tối ưu hóa quy trình bào chế đối với mỗi chế phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều tương tác bất lợi ( tương kị) trong nhiều trường hợp. Với mỗi bài thuốc cũng cần phải được nghiên cứu những mối tương tác này để vận dụng những tiến bộ của công nghệ bào chế hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc thuốc cổ truyền. Nghiên cứu hiện đại hóa dạng thuốc đòi hỏi nhiều nỗ lực của các nhà bào chế, từ những nghiên cứu đảm bảo tính phối ngũ theo lý luận cổ truyền, nghiên cứu tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, tìm kiếm phương pháp chiết tách làm giàu hoạt chất, tìm các giải pháp kỹ thuật hợp lý xây dựng quy trình… để tạo nên chế phẩm thuận tiện sử dụng, có tính an toàn và hiệu lực cao.
So với thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền có sự khác biệt trong công nghệ bào chế. Hoạt chất trong mỗi chế phẩm thuốc tân dược chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ với liều dùng mỗi ngày chỉ vài miligam đến vài trăm miligam trong khi thuốc đông dược để đạt hiệu quả điều trị, lượng dược liệu phải dùng tới hàng trăm gam. Xét về khối lượng, sự chênh lệch phải tới hàng trăm lần.
Chính vì vậy hiện đại hóa dạng bào chế thuốc đông dược cũng đồng nghĩa với những giải pháp “thu nhỏ” khối lượng thuốc sử dụng mà vẫn đạt hiệu quả điều trị.
Kỹ thuật bào chế cần áp dụng đối với thuốc cổ truyền khi hiện đại hóa dạng bào chế là làm sao để có những chế phẩm mang hình thức và cách dùng hiện đại nhưng bản chất vẫn là thuốc cổ truyền.Thành phần bài thuốc phải đi từ các vị thuốc đã được chế biến cổ truyền.
Trong các giải pháp công nghệ được nghiên cứu hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền, các phương pháp chiết xuất dược liệu luôn được ứng dụng để tạo nên những bán thành phẩm cho những sản phẩm thuốc y học cổ truyền có được hiệu quả và tính an toàn cao. Có nhiều kỹ thuật, phương pháp chiết xuất được ứng dụng trong nghiên cứu xây dựng quy trình chiết xuất dược liệu nhưng đối với thuốc y học cổ truyền, yêu cầu được đặt ra là ngoài việc chọn lựa những phương pháp chiết xuất phù hợp mang lại hiệu suất chiết cao còn phải tính đến khả năng giữ gìn được bản sắc của thuốc cổ truyền, đặc biệt là “tính vị” của thuốc. Đây là điểm khác biệt trong công nghệ chiết xuất thuốc cổ truyền (cần phải ứng dụng những thiết bị có khả năng lưu giữ chất bay hơi là thành phần ảnh hưởng lớn tới tính vị của thuốc cổ truyền). Cả hệ thống thiết bị được kết nối: thùng chiết xuất – cô màng mỏng – cô chân không – nồi cô hai vỏ.
Phương pháp được lựa chọn cũng phải căn cứ vào bản chất mỗi dược liệu, thành phần nhóm chất có hoạt tính sinh học và tính kết hợp của toàn bộ vị thuốc có trong bài thuốc.
Một số trang thiết bị có thể ứng dụng trong chế biến thuốc cổ truyền:
Các nhà chế tạo thiết bị của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo nhiều trang thiết bị phù hợp giúp cơ giới hóa các công đoạn sản xuất thuốc cổ truyền ở quy mô lớn:
- Máy rửa dược liệu.
- Máy thái các loại ( cắt vát hoặc ngang).
- Tủ sấy, sấy băng chuyền, sấy chân không.
- Nồi ủ.
- Nồi nấu 2 vỏ với thiết bị hơi.
- Máy nghiền ướt.
- Máy sao thuốc.
- Máy chế hoàn tự động.
- Dây chuyền chiết – cô hiện đại
TTND. PGS. TS. Trần Quốc Bình
Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW
Hội thảo : Ứng dụng công nghệ trong phát triển và chiết xuất dược liệu sạch tại Việt Nam
Thời gian: vào hồi 8h00 thứ 5 ngày 20/12/2012
Địa điểm: khách sạn Crowne West Hà Nội, 36 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.
Để biết thêm chi tiết về hội thảo và nhận giấy mời giam dự hội thảo vui lòng liên hệ ban tổ chức : Công ty cổ phần truyền thông Bách An
Số 6/10/75 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: 043 484 755 Fax: 043. 2484 766
Hotline: 0975 332222 – 0988 681 398 – 0945 884 266