Ánh sáng từ trái tim

TP - Mỗi người, có thể mắt sáng, có thể khiếm thị, nhưng ánh sáng từ trái tim luôn giúp họ có đủ niềm tin, dũng khí bước lên phía trước. Ông Phạm Đức Trung Kiên, Việt kiều Mỹ, luôn mang đến cho người đối diện cảm giác lúc nào cũng đầy ắp năng lượng và các dự định về giáo dục nước nhà, dù đôi mắt ông không còn thấy ánh sáng.
Ông Phạm Đức Trung Kiên và học sinh Trường Quốc tế ParkCity Hanoi Ảnh: ISPH

Không có giới hạn ngoài bầu trời

Ông Phạm Đức Trung Kiên sinh năm 1958. Ngày 30/9/1977, đại gia đình 36 người của ông đặt chân lên tiểu bang Colorado (Mỹ). Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn Mỹ, ông làm công nhân để có thu nhập. Cuộc sống khó khăn, chưa có gì để có thể khẳng định gia đình ông có thể trụ được nơi xứ người. Đúng ngày sinh nhật thứ 20, ông được bác sĩ thông báo mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc, chỉ vài năm nữa sẽ mù. “Đây là một ngày tôi không thể quên được, nó thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi” - ông Kiên chia sẻ. 

Cơ hội làm công nhân cho một nhà máy sản xuất xe đẩy trẻ em cũng vụt mất khi ông chủ nhà máy biết căn bệnh của Kiên. Ước mơ đến giảng đường đại học dường như càng xa vời mãi mãi với Kiên. Lúc đó, những ân nhân của ông trên đất Mỹ một lần nữa mở rộng trái tim. Họ viết một lá đơn xin đặc cách cho ông đi học, gửi đến University of Colorado tại Boulder, trường đại học (ĐH) lớn nhất của tiểu bang Colorado.

Tháng 6/1978, ông được nhận vào học. Do mắt kém, ông đành từ bỏ giấc mơ trở thành kỹ sư thủy điện với mong muốn được trở về làm việc trên quê hương để chọn ngành thương mại quốc tế. Ở trường, ông tự ra tranh cử vào Ban đại diện sinh viên toàn trường và được bầu số phiếu cao nhất.

Với những cải cách về cơ chế cho sinh viên cùng với các hoạt động thiện nguyện, ông tạo được dấu ấn lớn và được nhận vào làm việc tại văn phòng của Thống đốc bang Colorado. Sau đó, ông được giới thiệu đến văn phòng Quốc hội làm trợ lý cho Thượng Nghị sĩ Gary Hart, ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ cho kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1984 và 1988.

Ông Kiên từng học cùng lúc 3 chương trình tại ĐH Stanford, một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới. Ông còn nhớ, lúc đó ông thường xuyên trong tình trạng vừa ăn sáng, vừa đọc sách, vừa đi đến lớp. Ông cũng không hiểu mình vượt qua được thời gian đó như thế nào. Ở ĐH Stanford danh tiếng, ông để lại dấu ấn đặc biệt, trở thành một trong những cựu sinh viên xuất sắc nhất trong dịp ĐH Stanford kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường.

Con đường đến với Nhà Trắng của ông Kiên dưới thời Tổng thống Mỹ Reagan bắt đầu bằng chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của Nhà Trắng. Vượt qua khoảng 1500 ứng cử viên, năm 1985, ông là người Việt đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng khi mới 27 tuổi. Năm 31 tuổi, ông được Tổng thống George Bush (cha) bổ nhiệm làm việc tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh thế giới. Trong thời gian này, ông tham gia Ban chỉ đạo chiến lược của kế hoạch giải phóng Kuwait và tái lập ổn định tại vùng Trung Đông năm 1991.

Ông Kiên từng là một trong những nhà quản lý trẻ tuổi của Công ty Procter & Gamble (P&G) và là Phó Tổng Giám đốc phụ trách toàn khu vực Á Châu của Tập đoàn Tenneco, nằm trong danh sách Fortune 50 trên thế giới.

Có thể nói, từ những cơ hội mà cuộc đời ban tặng, ông Kiên đã có những giấc mơ lớn mà theo ông không có giới hạn nào khác ngoài bầu trời.

Xây cây cầu giáo dục Việt - Mỹ

Năm 2003, ông Phạm Đức Trung Kiên được Nhà Trắng giao xây dựng Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) nhằm đào tạo các nhà khoa học trẻ tuổi Việt Nam tại các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ.

“Khi tôi bắt đầu xây dựng VEF từ con số 0, rất nhiều người cho rằng Việt Nam không có những sinh viên ưu tú có đủ trình độ để được nhận vào những trường ĐH hàng đầu tại Mỹ như MIT, Harvard, Stanford, Berkeley… Những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nói như vậy và họ đều cho rằng, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho Việt Nam của chúng tôi sẽ thất bại. Nhưng tôi tin rằng, dù nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn có nhiều tài năng trẻ có thể cạnh tranh tại các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ” - ông Kiên nói. 

Sau khi xây dựng nền móng để VEF đi vào hoạt động ổn định, năm 2008, ông sáng lập và trở thành Giám đốc điều hành quỹ từ thiện Việt Nam, đồng thời xây dựng chương trình VEF 2.0 để tiếp nối sứ mệnh của VEF khi nó kết thúc chương trình vào năm 2016. Đến nay, VEF đã trao gần 700 học bổng đào tạo sau ĐH, nghiên cứu và giảng dạy. Hơn 400 sinh viên Việt Nam nhận được học vị tiến sĩ và hơn 130 sinh viên hoàn tất chương trình thạc sĩ.

Năm 1999, cùng với Hội Diễn đàn Việt, Hội Thiện nguyện y tế giáo dục, gia đình ông Kiên và những người bạn đã xây mới một trường tiểu học tặng cho học sinh xã Xuân Sơn (nay là phường Xuân Sơn). 20 năm nay, thông qua thư viện sách nói dành cho người khiếm thị tại TPHCM, ông Kiên cùng người thân và bạn bè hảo tâm đã tài trợ trên 5 tỷ đồng để trao tặng học bổng, máy vi tính xách tay... cho hàng trăm sinh viên khiếm thị. Từ năm 2006, ông Kiên về sống tại Việt Nam trong hai vai trò vừa là nhà đầu tư của nhiều tập đoàn, vừa là nhà hảo tâm.