“Sự trợ giúp đang đến”, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố sáng 2/12 sau khi các cơ quan quản lý của nước này phê duyệt vắc-xin COVID-19 do hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech sản xuất.
Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, đánh giá việc phê duyệt khẩn cấp của Anh (trước cả Mỹ và Liên minh châu Âu) là “một khoảnh khắc lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19”. Bản phân tích cuối cùng về thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vắc-xin của Pfizer đạt hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm lên tới 95%, dù ở người có tuổi, và không gây ra các mối quan ngại lớn về độ an toàn, hãng dược Mỹ tuyên bố tháng trước.
Anh đã đặt hàng 40 triệu liều vắc-xin, đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người. Bộ trưởng Hancock nói với BBC rằng, 800.000 liều đầu tiên sẽ có mặt ở Anh vào tuần sau và “chúng tôi sẽ triển khai tiêm chủng với tốc độ như khi vắc-xin được sản xuất” (Pfizer sản xuất vắc-xin COVID-19 tại các cơ sở của hãng ở Bỉ). Phần lớn đơn hàng sẽ được giao vào năm sau. Người cao tuổi ở các trại dưỡng lão, nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương khác sẽ được ưu tiên số một.
Bộ Y tế Anh tuyên bố, việc phê duyệt vắc-xin COVID-19 diễn ra “sau nhiều tháng thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và phân tích dữ liệu kỹ lưỡng bởi các chuyên gia - những người kết luận rằng, vắc-xin đã đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về độ an toàn, chất lượng và hiệu quả. Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter rằng, vắc-xin hiệu quả cuối cùng sẽ “cho phép chúng ta giành lại cuộc sống của mình và tái khởi động nền kinh tế”
Phải giữ vắc-xin ở nhiệt độ cực thấp
Pfizer/BioNTech sử dụng biện pháp mới để sản xuất vắc-xin COVID-19: dùng một mẩu vật liệu di truyền gọi là MRNA để thúc đẩy cơ thể tạo ra các mẩu tổng hợp coronavirus và kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Nhưng MRNA rất mong manh, nên vắc-xin phải được giữ ở nhiệt độ siêu thấp là âm 70 độ C (đòi hỏi phải có thiết bị lưu trữ đặc biệt). Vắc-xin của Đại học Oxford và hãng dược đa quốc gia AstraZeneca không đòi hỏi điều kiện nhiệt độ bảo quản khắt khe như vậy, nhưng loại vắc-xin này chưa được phê duyệt.
Bộ trưởng Hancock nói rằng, sẽ phối hợp 3 phương thức giao nhận vắc-xin. Đầu tiên là chỉ định 50 bệnh viện chuyên xử lý vắc-xin, chờ nhận các liều được gửi đến. Sau đó, các trung tâm tiêm chủng (đang được thành lập) tiếp nhận các liều vắc-xin. Cuối cùng, triển khai tiêm chủng cộng đồng, bao gồm các văn phòng bác sĩ và dược sĩ. “Khi vắc-xin AstraZeneca được phê duyệt, các bác sĩ, dược sĩ cũng sẽ tham gia công tác tiêm chủng như vậy”, ông Hancock nói.
Các nước khác, trong đó có Mỹ, đang cân nhắc phê chuẩn nhiều loại vắc-xin COVID-19 trước khi năm 2020 kết thúc.
Tính đến cuối ngày 2/12, thế giới ghi nhận hơn 64 triệu người mắc COVID-19, trong đó Mỹ có hơn 13,7 triệu ca, Ấn Ðộ có xấp xỉ 9,5 triệu ca, Brazil có gần 6,4 triệu ca, theo số liệu thống kê của Ðại học Johns Hopkins (Mỹ). Thế giới cũng ghi nhận hơn 1,48 triệu trường hợp tử vong do COVID-19, nhiều nhất ở Mỹ (gần 270.700 ca), theo sau là Brazil, Ấn Ðộ, Mexico và Anh.