Trong bản báo cáo về tình hình ở Ukraine hôm 26/11, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: Nga có khả năng đã loại bỏ đầu đạn hạt nhân khỏi các tên lửa hành trình cũ trước khi khai hỏa tấn công Ukraine. Hình ảnh từ hiện trường Ukraine cho thấy mảnh vỡ được cho là bộ phận của tên lửa hành trình Kh-55, thiết kế vào những năm 1980.
Báo cáo cũng cho biết thêm, việc Nga tháo đầu nổ vẫn sẽ gây ra một số thiệt hại thông qua động năng và lượng nhiên liệu chưa tiêu thụ, tuy nhiên nó khó đạt được hiệu quả tối ưu đối với các mục tiêu đã định. Nhiều khả năng, Nga sử dụng những tên lửa như vậy để làm mồi nhử, cũng như đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine. "Bất kể ý định của Nga là gì, điều này cũng đã thể hiện tình trạng cạn kiệt kho tên lửa tầm xa của Nga", Bộ Quốc phòng Anh lưu ý.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi về các thông tin trên.
Kh-55 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay của Nga, được phát triển và thiết kế bởi công ty hàng không MKB Raduga từ những năm 1970. Năm 1983 tên lửa này được đưa vào biên chế quân đội. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.
Kh-55 được không quân Nga sử dụng làm vũ khí tấn công tầm xa. Kh-55 có thể được mang và phóng bằng máy bay ném bom chiến lược tầm xa, bao gồm: Tu-160 (12 tên lửa), Tu-95 (6 hoặc 16 tên lửa, tùy phiên bản), thậm chí cả máy bay đánh chặn Su-34 (1 tên lửa).
Kh-55 được trang bị một động cơ turbofan R95-300, khi bay ở vận tốc hành trình các cánh quạt sẽ bật ra nhằm tăng hiệu quả bay của nó. Đây là một loại động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn, hiệu quả và rất tiết kiệm nhiên liệu trong khi cho lực đẩy tương đối lớn. Động cơ này có chiều dài chỉ 850 mm, đường kính 330 mm.
Kh-55 có thể được phóng ở độ cao từ 20 m đến 12.000 m; tầm bắn 2.500-3.000 km tùy phiên bản. Mỗi quả đạn Kh-55 có chiều dài 6,04 m; đường kính tên lửa 0,51 m và sải cánh 3,1 m. Với trọng lượng phóng là 1,21 tấn tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng 400 kg đôi khi nó còn mang đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT.
Dòng Kh-55 trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với radar Doppler/bản đồ địa hình, có khả năng bay bám địa hình ở mọi độ cao và cơ động liên tục để tránh lưới phòng không đối phương.
Ở pha cuối, tên lửa có thể sử dụng radar chủ động để tìm kiếm mục tiêu và tấn công hoặc sử dụng cảm biến hình ảnh theo công nghệ so sánh. Điều này cho phép tên lửa tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, bán kính lệch mục tiêu CEP của Kh-55 khoảng 15 m.