Ăn "phao câu" lợi hay hại sức khỏe?

Thật ra thì ăn phao câu có cải thiện được sức khỏe và sắc đẹp hay không? Nếu không, sao người ta lại bảo “nhất phao câu…”?
Ảnh minh họa: Internet

Năm nay em 23 tuổi, cao 1,70m; nặng 52 ký. Em rất tự hào với chiều cao trời cho của mình nhưng lại rất buồn vì sự mất cân đối ở một số nơi quan trọng khác, nhất là vòng 1 và vòng 3.

Vừa rồi, có bạn em đi học ở nước ngoài về, bày cho em xức kem, xoa bóp để làm nở mông, nở ngực nhưng không có kết quả. Lại có một người bà con ở quê vào, bày cho em ăn phao câu gà, vịt để cải thiện các chỉ số của cơ thể.

Cụ thể, mỗi ngày ăn khoảng một chục cái phao câu, có thể luộc, hấp, nướng, chiên tùy ý nhưng phải ăn kiên trì trong 3 tháng. Em không thích ăn bộ phận này của gà vịt nhưng vì sự nghiệp cải thiện vóc dáng, em cố gắng ăn được 2 tuần nay và có cảm giác tình hình tốt lên, da dẻ trơn láng, vòng 3 dường như cũng căng lên một chút.

Thế nhưng mới đây, một người bạn của ba mẹ là bác sĩ đến nhà chơi, nghe kể chuyện, đã mắng em “ngu quá, muốn bị bệnh tim mạch, huyết áp thì cứ ăn đi”. Như vậy là sao? Rõ ràng em ăn thấy có kết quả mà sao lại bị nói là ngu? Thật ra thì ăn phao câu có cải thiện được sức khỏe và sắc đẹp hay không? Nếu không, sao người ta lại bảo “nhất phao câu…”?

Hồng Ánh (Đà Nẵng)

Bạn trẻ thân mến,

Đúng là trong dân gian và… trên bàn nhậu có câu “Nhất phao câu, nhì đầu cánh” hay là “nhất thủ, nhì vĩ”. Nhưng dù xếp thứ nhất hay thứ nhì thì điều đó cũng nói lên cái sự đánh giá cao hai bộ phận này của các loại gia cầm. Điều đó hẳn là phải có lý do. Trước tiên phải biết “thành phần hóa lý” của cái bộ phận tận cùng trong cơ thể con vật ấy.

Phao câu là phần sau cùng của thân gà, vịt, ngan, ngỗng và các loài chim, là nơi tích tụ nhiều mỡ nhất trong cơ thể của những con vật này. Đặc biệt, trên phao câu có một nốt nhỏ bằng hạt đậu mà thỉnh thoảng, người ta thấy gà vịt dùng mỏ quẹt quẹt vào chỗ ấy. Đó là chúng lấy chất dầu béo ở đây để làm cho bộ lông bóng mượt, vừa bảo vệ cơ thể không bị thấm nước, vừa tăng thêm vẻ… thẩm mỹ của con vật. Thường khi làm thịt gà vịt, người ta cắt bỏ cái nốt ấy để phao câu không bị hôi.

Phao câu luộc, hấp, nướng ăn rất mềm, béo, có mùi thơm đặc trưng nên trở thành món khoái khẩu của nhiều người. Không chỉ các anh mà nhiều chị cũng thích. Ở nhiều gia đình, khi làm thịt con gà, con vịt, trước khi ăn có khi phải “xí phần” để tránh việc tranh giành, gây gổ trên bàn ăn sau đó!

Vì thực tế nó là như vậy nên không thể phủ nhận là... phao câu rất hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tranh luận về cái sự lợi hại của chiếc phao câu. Tôi đã từng nghe hai thầy thuốc, một đông y, một tây y cãi nhau khá gay gắt về tác dụng của món ăn này.

Phía đông y thì cho rằng ăn phao câu sẽ giảm nhức đầu, tăng cường dương khí, điều hòa kinh nguyệt, láng da mượt tóc... Ngược lại, anh tây y thì quả quyết phải loại bỏ “cái thứ dơ bẩn ấy” ra khỏi thực đơn bởi phao câu gia cầm là thứ vô cùng độc hại, dù có làm sạch mấy thì vẫn không thể loại bỏ hết vi khuẩn ở hậu môn (bộ phận thân cận, dính liền với phao câu).

Họ tranh luận bất phân thắng bại nhưng chỉ xoay quanh vấn đề độc hay không độc, nên hay không nên ăn phao câu chứ không hề nghe nói ăn cái đó có tác dụng làm đẹp theo kiểu “ăn gì bổ nấy”, ăn phao câu... bổ phao câu.

 Mà theo tìm hiểu của “chiên da”, cũng không thấy tài liệu đông tây, kim cổ nào nói rằng, chỉ cần kiên trì ăn món ấy thì sẽ có... cái vòng ấy như ý muốn. Chưa kể, phao câu rất béo, ăn nhiều, ăn liên tục có khi lại gây hại cho tim mạch, đường huyết.

Tóm lại, nếu thỉnh thoảng ăn một lần cho biết mùi vị thì không sao, còn ăn liền tù tì như vậy thì chắc chắn không có lợi. Muốn cho cơ thể cân đối, đẹp xinh, khỏe mạnh thì nên ăn uống đầy đủ, cân đối và nhất là nên tập thể dục, chơi thể thao. 

Có một môn thể dục rất nhẹ nhàng, dễ tập luyện, tốt cho sức khỏe, đẹp cho dáng vẻ, nhất là cái vòng 3; đó là môn đi bộ lên cầu thang. Mỗi ngày cứ leo chừng vài trăm bậc thang, bạn trẻ sẽ thấy mình chưa bao giờ khỏe như vậy, đẹp như vậy!

Theo Người lao động