Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 9-10/9 diễn ra trong bối cảnh “đầy biến động” trong môi trường toàn cầu và kỳ vọng vào việc G20 có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách của thế giới là “rất cao”, ông Jaishankar nói với hãng tin ANI.
Đại diện các nước thành viên G20 đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được đồng thuận để lãnh đạo tuyên bố tại thượng đỉnh ở New Delhi, ông Jaishankar nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6/9.
Ông Jaishankar cũng hạ thấp tính nghiêm trọng của việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu rằng Nga sẽ ngăn chặn tuyên bố cuối cùng của hội nghị nếu nó không phản ánh quan điểm của Mátxcơva về Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác.
Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết, các quốc gia đang cố gắng tối đa hóa quan điểm đàm phán và mọi người không nên “định kiến” với kết quả.
“Tôi tin rằng mọi người đến dự G20 ở Delhi sẽ hiểu trách nhiệm của họ… rằng 180 quốc gia trên thế giới đang trông chờ họ nêu ra định hướng và họ không thể thất bại”, ông nói.
Ông Jaishankar cho rằng G20 là “một diễn đàn hợp tác”, không phải “đấu trường của chính trị quyền lực”.
“Ngày nay, kỳ vọng của thế giới về những gì G20 có thể mang lại rất lớn, để có thể giải quyết những thách thức của thế giới”, ông nói.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn thế giới, nhưng đang bị chia rẽ sâu sắc vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo giới phân tích và các quan chức, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như tình trạng chia rẽ vì cuộc xung đột khiến chủ nhà Ấn Độ khó có thể thuyết phục các bên nhất trí với Tuyên bố Lãnh đạo.
Ông Jaishankar nói rằng các lãnh đạo từng vắng mặt trong những thượng đỉnh trước đây, việc ông Tập vắng mặt lần này không phải điều bất thường và không liên quan đến Ấn Độ.
Quan hệ Ấn – Trung đóng băng kể từ cuộc đụng độ chết người trên biên giới hồi tháng 6/2020. Giới phân tích cho rằng ông Tập không đến New Delhi lần này là một bước lùi nữa cho quan hệ giữa hai cường quốc châu Á.