Án bất khả thi

TP - Có những bản án khi đem ra thi hành, cả cơ quan thi hành án và đương sự kêu trời vì không biết thi hành ra sao. Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng chưa có quy định trình tự, thủ tục giải quyết loại án bất khả thi.

Vụ án nói đến trong bài này được TAND quận 10, TPHCM xử sơ thẩm ngày 10-6-1998, TAND TPHCM xử phúc thẩm ngày 24-6-1999.

Đây là án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Bên nguyên là bà Bùi Thị Thu Hồng, trú tại TPHCM. Bên bị là ông Nguyễn Văn Kim, Giám đốc Cty TNHH Lâm Sơn Thiện, trụ sở cũng tại TPHCM.

Một số cá nhân và pháp nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có Cty TNHH Thương mại Diên Hồng (Cty Diên Hồng) do ông Bùi Thanh Trúc làm giám đốc, trụ sở đặt tại 214 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TPHCM.

Sai cả tên và địa chỉ

Bài viết này không đi sâu vào nội dung phán quyết của các cấp tòa, chỉ bàn đến phần hình thức các bản án đã tuyên.

Tại bản án sơ thẩm, TAND quận 10 xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Cty Diên Hồng, nhưng ghi sai địa chỉ Cty này là số 44 (lý ra là số 214) Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sai lầm này không được đính chính.

Lên cấp phúc thẩm, TAND TPHCM thêm một nhầm lẫn nữa, gọi sai tên Cty Diên Hồng thành Cty Đức Hồng(!). Cấp tòa này gửi giấy triệu tập đến Cty Đức Hồng tại 44 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đương nhiên không có người nhận.

Phiên tòa phúc thẩm vắng ông Nguyễn Văn Kim (đang bị giam do liên quan một vụ án hình sự), vắng nốt ông Bùi Thanh Trúc, “không chịu đến tòa, mặc dù đã tống đạt giấy triệu tập nhiều lần”.

Tùy tiện thay đổi người tham gia tố tụng

Điều lạ lùng, tòa phúc thẩm thay đổi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Lý ra phải là Cty Diên Hồng (pháp nhân) như tòa sơ thẩm nhận định, tòa phúc thẩm bất ngờ chuyển thành ông Bùi Thanh Trúc (cá nhân).

Đọc kỹ bản án phúc thẩm do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Lê Xuân Hà thay mặt HĐXX ký, không ai tìm thấy một dòng một chữ nào giải thích vì sao lại phải thay đổi như vậy.

Án phúc thẩm tuyên: “Buộc ông Trúc và ông Kim phải trả cho bà Hồng số tiền nợ vốn và lãi là 4.608.200.000đ”. Sau khi án tuyên, ông Trúc cũng như Cty Diên Hồng không nhận được bản án, có lẽ cũng do nó được gửi về 44 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, người nhận là Cty Đức Hồng(!).

Có quyền từ chối thi hành!

Khi nhận Quyết định thi hành án (cơ quan thi hành án dân sự gửi theo địa chỉ nhà riêng), ông Trúc đã làm đơn khiếu nại, đề nghị được xem xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, nhưng ông không nhận được hồi âm từ các cấp có thẩm quyền.

Bẵng đi 10 năm. Mới đây, ông Trúc lại nhận được Quyết định thi hành án. Lần này, ông làm đơn khiếu nại, xin được xem xét lại vụ án theo trình tự tái thẩm.

Ông Trúc khẳng định ông không phải Bùi Thanh Trúc giám đốc Cty Đức Hồng thường trú tại 44 Nam Kỳ Khởi Nghĩa như bản án phúc thẩm ghi, vì vậy ông có quyền từ chối thi hành bản án này.

Hơn nữa, giả sử ông muốn thi hành, thì cũng không biết phải trả bà Hồng bao nhiêu, bởi án tuyên ông Trúc và ông Kim cùng phải trả hơn 4,6 tỷ đồng cho bà Hồng, nhưng không cá thể hóa ông Trúc bao nhiêu, ông Kim bao nhiêu.

Giải quyết sao đây?

Đơn của ông Trúc còn khiếu nại nội dung bản án, khẳng định cá nhân ông không liên quan việc vay mượn giữa ông Kim và bà Hồng; chỉ Cty Diên Hồng mới liên quan đến một văn bản bảo lãnh, nhưng Cty này đã thực hiện xong nghĩa vụ của người bảo lãnh.

Bài viết này không đi sâu vào nội dung vụ án; điều đáng nói là ông Trúc khiếu nại HĐXX phiên tòa phúc thẩm không phải vô tình, mà là cố ý chuyển người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan từ Cty Diên Hồng sang cá nhân ông, từ đó mới có thể mập mờ cột trách nhiệm cá nhân của ông với trách nhiệm của ông Kim, trong việc vay nợ bà Hồng.

Hiện tại thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm bản án đã hết, còn để kháng nghị tái thẩm, người ta phải tìm ra được “tình tiết mới”. Việc bản án không khả thi liệu có là “tình tiết mới” để kháng nghị tái thẩm?