Vừa gặp chị ở LHP Việt Nam trong Sài Gòn cuối năm ngoái, đã thấy ở LHP quốc tế Hà Nội. Chị dạo này lại quan tâm điện ảnh?
Vân quen bên đồng tổ chức, họ mời đi cho vui thôi. Nhưng hơi thất vọng về lễ bế mạc LHP quốc tế nhiều lỗi, thất thố với khách quốc tế. Được cái dịp này ra đây kịp xem Cánh đồng bất tận, phim Việt Nam như vậy là khá ổn. Xem xúc động.
Chị thích diễn xuất của ai trong Cánh đồng bất tận hơn cả? Thừa nhận đây là phim đáng xem, nhưng nhiều chi tiết hơi ác, xem xong hơi buồn.
Thì truyện đã như vậy rồi. Vân thích vai Võ của Dustin Nguyễn, Nương của Lan Ngọc và Điền của Thanh Hòa. Thoại phim khá, không bị thừa như các phim Việt Nam khác. Dù còn sạn nhưng hẵng cứ được như vậy đã. Có lẽ Vân sẽ đi xem lại Cánh đồng bất tận.
Còn những phim truyện nào có thể xem đi xem lại được?
Cuốn theo chiều gió và Bố già Vân xem mãi không chán, cả sách cả phim. Bố già là truyện găng-xtơ nhưng khiến mình học được rất nhiều. Như có công thì thưởng có tội thì phạt, ân đền oán trả. Trong cuộc sống, mình thích sự rõ ràng và không thích kiểu quân tử Tàu.
Trong 'Bố già' phần 1 có đoạn Bố già triết lý: "Bạn bè chẳng qua là làm ăn và mọi mối quan hệ trên đời này đều là làm ăn". Chị có đồng tình?
Vân nghĩ nếu kết hợp tình bạn và làm ăn cũng tốt nhưng không nhất thiết cái gì cũng phải quy ra chuyện làm ăn.
Còn tình bạn trong giới nghệ sĩ? Tôi nghe chị Ngọc Thanh vợ ca sĩ Quang Thọ kể: Ái Vân từ thời trẻ đã không nhiều bạn, vì không phải ai cũng chấp nhận làm nền cho Ái Vân - không phải ai cũng thân được Vân như Thanh?
Kết bạn trong giới nghệ sĩ là khó, vì môi trường khốc liệt. Vân cũng có bạn nhưng không nhiều. Đúng như ông người Pháp nói, đã là bạn bè thì không tiếc nhau điều gì, phải là người mà ta chia sẻ mọi thứ trên đời.
Chắc chị nấu ăn cũng khá nên mới mở nhà hàng? Nhà hàng có món gì độc đáo để người ta nhớ hay nhớ chỉ vì Ái Vân - Ái Xuân làm chủ?
Ái Vân, Ái Xuân có cổ phần ở Plzen - Đông Nam Bộ, chưa phải là chủ sở hữu. Thức ăn chủ yếu theo trường phái Bắc như thịt đông dưa chua, ốc đậu chuối xanh, tôm ủ muối... Nhà hàng vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, chưa hài lòng lắm từ cái tên trở đi (Plzen là tên một loại bia Tiệp).
Hồi nhỏ được ba má chiều, chẳng biết làm gì. Lớn lên thích ăn ngon, thích nấu ăn. Mình nấu phở bò ngon, bánh tôm thì tuyệt vời, cả bún thang, và một số món ăn Tây. Nói chung bún miến phở đều là sở trường. Việc nấu ăn choán nhiều thời gian lắm, đặc biệt mình phải bỏ tình yêu vào đấy, lơ là sẽ thất bại ngay.
Nói chuyện nghề: Đến Tuấn Vũ còn quay đi quay về ngự ở Nhà hát Lớn chục đêm liền, vé mấy triệu đồng/cặp. Còn chị bao giờ làm chương trình riêng?
Tuấn Vũ có khán giả của anh ấy vì nhạc vàng một thời không được phổ biến rộng rãi. Còn Vân cũng nghĩ đến chương trình của mình, có điều nghĩ hơi lâu. Một phần vì chưa tìm được ê-kip phù hợp.
Nếu Vân làm chương trình riêng thì không phải là tìm cách làm mới mình, mà phải làm trúng. Muốn chọn cách tâm tình với khán giả, không chỉ hát hết bài nọ đến bài kia. Phải có một kịch bản tốt.
Đôi khi ước ao làm được bộ phim ca nhạc như Mamma Mia, thật tuyệt vời. (Mamma Mia - phim Mỹ, lấy nền là các bài hát của ABBA, do Meryl Streep, Pierce Brosnan thủ vai chính - PV).
Anh Thọ (ca sĩ Quang Thọ) có viết một câu chuyện bằng nhạc rất hay, kể chuyện tình yêu, chuyện chiến tranh, với nền là các ca khúc chiến tranh. Viết đã mấy năm nay nhưng chưa tìm được nhà sản xuất phù hợp. Vân mà làm chương trình riêng chắc sẽ mời anh Thọ và vài ca sĩ trẻ nữa.
Đã 40 năm sau thời oanh liệt Chị Nhung. Trong sự nghiệp ca nhạc, nhìn lại chị thấy giai đoạn nào của mình rực rỡ nhất?
Giai đoạn hát nhạc nhẹ, được giải quốc tế. Và giai đoạn đầu sau đó mình làm được một số việc mà hồi ở trong nước chưa làm được: Đóng kịch, dựng nhạc cảnh Kiều, Bích Câu kỳ ngộ, Thằng Bờm... Nên mới mơ ước một Mamma Mia nhưng chắc chẳng bao giờ thành.
40 năm phim 'Chị Nhung'
Tháng 9 vừa qua, Phương Nam Phim ấn hành một loạt bản DVD phim Việt Nam kinh điển hoặc được yêu chuộng một thời: 'Biệt động Sài Gòn', 'Tội lỗi cuối cùng', 'Chị Nhung'...
2010.
Chị Nhung sản xuất năm 1970, hai đồng đạo diễn là Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh. Dàn diễn viên: Thế Anh, Lâm Tới, Danh Tấn, Anh Thái... Vai chị Nhung do Ái Vân 16 tuổi thủ diễn, một cô gái xuất thân đi ở đợ sau thành giao liên, thủ trái pháo dù, một mình chui vào sào huyệt địch, góp phần làm nên trận đánh lớn.
Kịch bản của Duy Cương, Hồng Lực dựa theo truyện của Nguyễn Quang Sáng đơn giản bất ngờ. Trong phim, chị Nhung là một sắc đẹp nổi bật kiểu Tây phương, đài các với cổ kiêu ba ngấn, tóc vấn cao, mũi cao da trắng - tóm lại chả có gì phù hợp với bối cảnh. Vậy mà từ màn ảnh bước ra, chị Nhung của Ái Vân lập tức trở thành thần tượng, với những tấm ảnh chân dung chui tọt vào ví của những thanh niên Hà Nội thời bấy giờ.
40 năm sau, hỏi Ái Vân về cơn sốt "dễ dàng" này, chị lý giải: "Hồi đó đời sống lam lũ, nên hình ảnh đường phố Sài Gòn, cô gái Sài Gòn mặc áo cổ thuyền, vấn tóc và ăn mặc hiện đại làm khán giả lạ lẫm thích thú. Còn phim ảnh có nhiều phim hay rồi chứ nhưng chủ yếu lấy bối cảnh miền Bắc, nên bối cảnh Sài Gòn trong Chị Nhung như luồng gió mới.
Vân hồi đó gầy như con cò hương, "ăn độn" khắp nơi, trang phục thì tham khảo của Việt kiều Thái Lan, giỏ xách cũng mướn của một chị Việt kiều Thái. Bây giờ xem lại thấy vui vui vì truyện phim và cách dựng đơn giản. Đọc truyện (truyện ngắn chuyển thể của Nguyễn Quang Sáng) cũng rất thích. Thời đó chủ nghĩa anh hùng, cảm hứng anh hùng dâng cao và dường như có trong mọi người".
Một số hình ảnh Ái Vân trong phim "Chị Nhung"