Ai dùng vũ khí hóa học giết 1.300 người ở Syria?

TPO- Phương Tây lần đầu tiên đã tuyên bố về khả năng can thiệp quân sự vào Syria, sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học giết chết 1.300 người.

Ai dùng vũ khí hóa học giết 1.300 người ở Syria?

> 200 người chết vì vũ khí hóa học?

> Mỹ 'xoay trục' khiến Nga-Trung thắm thiết 

Tuyên bố này xuất hiện sau khi Moscow bỏ phiếu chống trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về quyết định yêu cầu chính quyền Syria cho phép đoàn thanh sát  tiếp cận khu vực cách đây không lâu đã xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Đối thủ của ông Bashar al-Assad khẳng định với phóng viên tờ "Kommersant" rằng tổng thống Syria đã chọn đúng thời điểm sử dụng vũ khí hóa học trước khi đoàn thanh tra vũ khí của LHQ đến Syria, với mục đích đẩy mọi trách nhiệm cho phe đối lập.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố những thông tin về việc quân đội Syria tấn công bằng vũ khí hóa học là “những tuyên bố khiêu khích”. Còn các chuyên gia thuộc đoàn thanh tra LHQ đã nói với các phóng viên "Kommersant" về một lực lượng thứ ba – lực lượng Hồi giáo cực đoan có thể là thủ phạm của vụ tấn công gây chấn động.

 

"Nếu Hội đồng Bảo an LHQ không thể có quyết định đối với Syria, quyết định đó sẽ được thể hiện bằng các phương pháp khác" – Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã cảnh báo và nói thêm trong trường hợp thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học được chứng minh, sẽ yêu cầu được "sử dụng vũ lực" can thiệp. Tuyên bố này được đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó xem xét phương án yêu cầu chính quyền Syria tạo điều kiện thuận lợi cho thanh sát viên LHQ tiếp cận ốc đảo Guth phía đông của Damascus. Theo thông tin của phe đối lập Syria, quân đội chính phủ Syria đã sử dụng đạn hóa học, giết chết khoảng 1.300 người.

Những người dân thường thiệt mạng vì vũ khí hóa học.  

Minh chứng cho việc sử dụng vũ khí hóa học có hàng chục video và ảnh chụp, đồng thời có cả các nhân chứng. Nhưng kết luận về ai đã gây lên vụ tấn công hóa học này hoàn toàn không đồng nhất: “Tổng thống Assad từ lâu đã sử dụng một kịch bản duy nhất, khi các quan sát viên LHQ đến Syria, ông ta tiến hành các đợt tấn công vào dân thường bởi vì biết rất rõ kết quả là tất cả sẽ kết tội phe đối lập”- đại diện phe đối lập Syria tại Nga Mahmoud al-Hamza nói với phóng viên “Kommersant”. Theo nhân vật này, các thanh sát viên LHQ chỉ được kiểm tra 3 địa điểm, còn điểm bị thiệt hại nặng nề do vũ khí hóa học ở ngoại vi Damascus thì phái đoàn thanh tra không được phép tiếp cận. Quyết định yêu cầu của Hội đồng bảo an LHQ cũng bị phủ quyết bởi Nga và Trung Quốc.

Nga bày tỏ nghi ngờ việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga ông Alexander Lukashevich, đây là một hành động khiêu khích được hậu thuẫn, mục tiêu của nó là: “bằng mọi giá tạo cớ để đẩy mạnh phong trào đòi hỏi Hội đồng bảo an LHQ đứng về phía phe đối lập, đồng thời phá hoại khả năng các cơ hội tổ chức và triệu tập đến hội nghị tại Genève”. Nhà ngoại giao nhấn mạnh vấn đề tên lửa được phóng từ vùng kiểm soát của phe đối lập. Tuy nhiên Mahmoud al-Hamza lập tức phản bác: “Lực lượng Syria tự do đang kiểm soát ốc đảo Guta và không thể sử dụng tên lửa để chống lại người dân. Sẽ có lý hơn là hướng tên lửa về phía khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ hoặc tấn công các trận địa của quân đội”.
Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm an ninh quốc tế IMEMO ông Vladimir Sotnikovl nhận định phe đối lập, nhận được sự viện trợ to lớn về quân sự và tài chính từ phương Tây sẽ không kích động dư luận cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong thời gian các quan sát viên LHQ có mặt tại Syria. Theo suy nghĩ của ông, lực lượng chính phủ cũng không dại gì sử dụng vũ khí hóa học, bởi vì hiện nay “ưu thế đang nằm trong tay quân chính phủ Syria”. Trong sự mập mờ chồng chéo của các sự kiện, Sotnikovl cho rằng có thể thủ phạm là một lực lượng thứ 3 như nhóm "Dzhebhat en-Nusra" hoặc các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan khác.

Đoàn thanh sát viên Liên hiệp quốc.
Lực lượng đối lập hay lực lượng thứ ba gây ra vụ thảm sát vũ khí hóa học?
Quân đội chính phủ Syria.
 

Nếu thực sự như vậy thì khả năng can thiệp vũ trang của các thế lực bên ngoài, được ông Laurent Fabius nhắc đến đang trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, Vladimir Sotnikov tin rằng Bộ trưởng Pháp chỉ thực hiện "một cảnh báo khác đối với ông Assad" vì trên thực tế tham gia vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria thì cả châu Âu và Mỹ đều không sẵn sàng.

 

Từ sự kiện trên, có thể thấy Syria đang trở thành một vùng chiến sự hỗn loạn, vượt quá cả những giới hạn của một cuộc nội chiến. Việc một lực lượng “thứ ba” nào đó sử dụng vũ khí hóa học đánh vào dân thường là một tội ác chiến tranh. Đồng thời các sự kiện nêu trên cũng chứng minh cái giá phải trả cho “cách mạng sắc màu – mùa xuân Ả rập” đó là hỗn loạn phe phái chính trị, sự sụp đổ của nền kinh tế và máu của những người dân vô tội.

                                                         Trịnh Thái Bằng Theo Kommersant-Nga

Theo Dịch