60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Cận cảnh những chuyến tàu

TPO - Sáng 19/10, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc", nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường (23/10/1961 - 23/10/2021).

Nhiều chiến công hiển hách

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, 60 năm trước đây cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh mẽ lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp.

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.

Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu khai mạc hội thảo

Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học quý báu vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương.

Đó thực sự là một kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện vận tải, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 759 – Đoàn 125 đã trở thành những cảm tử quân, luôn xác định tư tưởng mỗi chuyến đi là một lần quyết tử. Để vượt qua sóng to, bão lớn, vượt qua sự truy tìm, ngăn chặn, đánh phá của địch, không chỉ tinh thần dũng cảm, gan dạ mà còn phải hết sức mưu trí, sáng tạo.

Suốt bao năm, đường Hồ Chí Minh trên biển luôn là mặt trận cam go, khốc liệt, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch nhưng cuối cùng thắng lợi thuộc về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân Việt Nam vì “Độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước”.

Hải Phòng - nơi khởi nguồn con đường huyền thoại

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhấn mạnh, với vị trí có ý nghĩa chiến lược, Hải Phòng nằm trong khu vực hướng phòng thủ chiến lược của Quân khu 3, là lá chắn vững chắc của Thủ đô Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng là nơi tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là nơi xuất phát của những con tàu không số, nơi khởi nguồn cho con đường Hồ Chí Minh – Huyền thoại trên biển, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển là cơ hội quý, ôn lại truyền thống hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống thành phố cảng “Trung dũng – Quyết thắng”.

Ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, phát biểu tại hội thảo.

Tự hào là nơi khởi nguồn con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của thành phố cảng “Trung dũng – Quyết thắng”, những năm qua, thành phố Hải Phòng luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức triển lãm ảnh biển, đảo và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Lễ ra mắt 2 thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng trên sông Cấm (TP Hải Phòng) ngày 24/8/1955. Đây là những đơn vị tàu chiến đấu đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Bến K-15 tại Đồ Sơn (TP Hải Phòng), nơi xuất phát chuyến tàu đầu tiên ngày 11/10/1962 và nhiều chuyến khác của đoàn tàu không số bí mật vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam.

Chuyển hàng xuống tàu tham gia chiến dịch vận tải VT-5, vận chuyển gián tiếp vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, năm 1969.

Tàu của Đoàn 125 Hải quân nhận hàng từ Bến Đá Bạc (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1973.

Tàu vận tải của Đoàn 125 Hải quân - Đoàn tàu không số cải dạng tàu nước ngoài, bí mật vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu do địch chụp).

Tàu vận tải Đoàn 125 Hải quân cải dạng tàu đánh cá nước ngoài trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam, năm 1965.

Tàu gỗ gắn máy Phương Đông 2 (do xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng đóng) xuất phát tại Bến K-15 Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 14 tấn vũ khí cập bến Cà Mau thành công, tháng 10/1962.

Tàu vận tải của Đoàn 125 Hải quân cải dạng tàu nước ngoài vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, tháng 4/1966.

Quân địch chết, bị thương trong chiến dịch Bình Giã. Vũ khí của Quân Giải phóng miền Nam đánh trận này do Đoàn 125 Hải quân chuyển vào, năm 1965.

Tàu sắt C43, tàu sắt đầu tiên do thuyền trưởng Đinh Đạt chỉ huy chở 44 tấn vũ khí cập Bến Trường Long Hòa (tỉnh Trà Vinh) thành công ngày 24/3/1963.

Bác Hồ và anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-Man-Ti-Top trên tàu Hải Lâm, năm 1962.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Đoàn 125 Hải quân tại Bến Bính Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), năm 1970.