500 đặc sản vùng miền từ hơn 30 tỉnh, thành phố đổ bộ TPHCM

TPO - Hơn 500 đặc sản như bánh tét Trà Cuôn, bánh phồng Sơn Đốc… hay những làng nghề có tuổi đời hơn trăm năm được hội tụ ở TPHCM, chờ người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ngày 12/12, tại trục đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành thành phố tổ chức đã khai mạc và dự kiến diễn ra đến ngày 15/12.

Chương trình năm nay thu hút sự tham gia của hơn 30 tỉnh, thành phố, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu với hơn 500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền của Việt Nam, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Dũng (giữa) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM tham quan các gian hàng

Làng nghề se nhang ở huyện Bình Chánh (TPHCM) thu hút khách tham quan

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chương trình nhằm tạo cơ hội thúc đẩy tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt, làm tiền đề đưa sản phẩm Việt xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

Cũng theo ông Dũng, thông qua chương trình này, doanh nghiệp trong nước có cơ hội kết nối, hình thành chuỗi liên kết thương mại, du lịch, tạo cơ sở đẩy mạnh liên kết vùng.

Sự kiện này được kỳ vọng trở thành cầu nối, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín và khẳng định vị thế của sản phẩm Việt trong lòng người tiêu dùng.

Tré Bình Định hút khách thành phố

Dịp này, khu vực TPHCM tái hiện các làng nghề truyền thống như: làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi); làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); làng se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); làng trồng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Khách tham quan được khám phá tìm hiểu về lịch sử cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng của TPHCM.

Đặc biệt, khu sân khấu diễn ra hoạt động trình diễn, giới thiệu và quảng bá các làng nghề truyền thống và hoạt động tương tác, trải nghiệm tiếp cận văn hóa các địa phương như: làng nghề truyền thống Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, tỉnh Bến Tre - di sản văn hoá phi vật thể, sinh hoạt cộng đồng và văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai, làng nghề bánh tét Trà Cuôn, tỉnh Trà Vinh, giới thiệu hệ sinh thái nông nghiệp - du lịch bản địa tỉnh Lâm Đồng,... và nhiều chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc tại sự kiện.

Ghi nhận trong ngày đầu khai mạc, khá đông người dân TPHCM đã háo hức đến tham quan, mua sắm đặc sản như bánh tét Trà Cuôn, tré Bình Định, hạt điều Bình Phước, ruốc cá rô đồng Ninh Bình, miến dong, cơm lam, thịt trâu gác bếp… Nhiều du khách còn được tự tay se nhang, chằm nón, thắt hoa hồng từ lá dừa nước… do chính các nghệ nhân hướng dẫn.

Một số hình ảnh tại lễ hội.

Nghệ nhân Phạm Thị Bình (70 tuổi) hướng dẫn các thao tác nuôi tằm, se tơ, dệt vải

Du khách tham gia làm hoa bằng lá dừa

Nghề dệt chiếu thủ công

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc của tỉnh Gia Lai