“50 sắc thái” phiên bản Việt: Bao giờ?

TP - Nhà văn Đỗ Phấn tự tin: “Gì chứ thứ như 50 Sắc thái quá dễ để xuất hiện ở Việt Nam”. Thực ra, ở ta những năm gần đây không thiếu những tác phẩm bạo dạn, không thiếu những nhà văn nhăm nhăm đi vào sex. Song câu chuyện tính dục trong văn chương Việt như  vẫn ngắc ngứ chưa tìm thấy lối ra.
Nhà văn Bùi Bình Thi có dại với “Dại tình”?

Đụng tí lại… lảng 

Có nhà văn tên tuổi nói thẳng: Văn chương Việt làm gì có sex, mặc dù cũng tích cực đụng chạm. Lý do ông đưa ra: “Vì người Việt, văn hóa Việt né”. Ngày cả những cuốn hay được người ta nhắc tới như “Bóng đè”, “Lam Vỹ”… ông cũng gạt đi: “Chưa tới, chưa hay”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng đồng quan điểm: “Văn hóa phương Đông  khiến vấn đề này bị hạn chế, nhà văn nói lấp lửng. Rất nhiều tác phẩm đụng chạm đến sex nhưng đụng tí lại… lảng ra”. Anh lấy ngay các tác phẩm của mình làm ví dụ, cũng  đặt vấn đề sex nhưng “không đặt sâu, đặt sâu quá lại mất hay”.

Với Phạm Ngọc Tiến cũng như đa phần nhà văn Việt Nam thì tính dục trong văn chương chỉ như gia vị để hỗ trợ cho “món ăn” chính là thông điệp: “Trong những câu chuyện có “chuyện ấy” người ta mới tiến tới “chuyện ấy”. Nếu xung đột, mâu thuẫn chưa đến mức như thế thì người ta cũng không cần thiết phải sử dụng. Người ta dùng sex để đạt ý đồ nào đấy trong tác phẩm, chứ không muốn sa đà vào”. Nhà văn hứa hẹn: Một ngày nào đó nếu có tác phẩm chỉ sex mới khắc họa được vấn đề thì anh sẽ chẳng ngại ngần tiến tới. Hãy chờ xem!

Hỏi chuyện các nhà văn về đề tài sex trong văn chương không ít người tỏ ra kém thích thú. Tác giả “Bóng đè” thành thật: “Tôi chán mấy câu hỏi sex xiếc lắm rồi, chả có cảm hứng gì cả”. Nhiều người đã gửi câu hỏi cho Đỗ Hoàng Diệu nhưng cô ngâm cả nửa năm nay chưa hồi âm. Đó là lứa nhà văn trẻ, cỡ lớn tuổi như Thái Bá Lợi thì: “Không trả lời đâu, xấu hổ lắm”.

Phải chăng văn hóa phương Đông có lỗi? Nhà văn Đỗ Phấn bào chữa: “Vì Á Đông ư? Sai bét. Á Đông chưa bao giờ xa lánh chuyện sex. Ngay bản thân đất nước chúng ta, dẫn chứng là những hình ảnh phồn thực còn lưu lại ở một số tác phẩm nghệ thuật xưa.

Ở Nhật, Shunga, hay còn gọi là xuân họa, một loại tranh thuộc lớp hội họa thế tục, thường là tranh khắc gỗ, lấy chủ đề quan hệ nam nữ làm cảm hứng khiến phương Tây còn ái ngại kia mà. Còn ở Trung Hoa, ngày trước đã có tiểu thuyết Kim Bình Mai,  miêu tả đời sống tình dục  rất khủng khiếp”.

Chủ đề về sex vẫn bị e ngại trong văn chương từ cả tác giả lẫn người đọc (trong ảnh: Hội sách tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Vừa nhạt, vừa thô, vừa giả?

Có những nhà văn không biến sex thành sợi dây xuyên suốt của tác phẩm, không muốn sex tồn tại tự thân. Song với một số cây bút, viết về sex được xem như thứ “thời thượng”. Khi nhà văn Bùi Bình Thi còn sống, ông từng hào hứng khoe về khả năng viết sex hạng nhất Việt Nam của mình.

Ông tâm đắc với cuốn “Dại tình”  bị cấm phát hành. Mức độ tệ hại về tính dục trong cuốn tiểu thuyết tâm đắc của Bùi Bình Thi chính là lí do khiến tiểu thuyết này bị thu hồi. Một nhà văn  tổng kết: Đọc sex của Bùi Bình Thi như… xem phim con heo.

Cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyễn Đình Tú có cuốn “Nháp” được nhà văn Chu Lai  tung hô: “Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú có thể ngẩng cao đầu bước tiếp trên con đường tiểu thuyết mênh mang nắng gió nhưng cũng quá đỗi nhọc nhằn”. Song dư âm của “Nháp” đối với người tiếp nhận không hẳn hân hoan như vậy.

Có người xếp “Nháp” vào dạng “giáo khoa thư về sex” khi có nhiều đoạn miêu tả cận cảnh những cách, những tư thế làm tình của nhân vật. Một minh chứng được họ dẫn ra từ   “Nháp”: “Trong tư thế của một kỵ sĩ trên lưng ngựa hắn đưa đẩy liên tục dưới bụng Me. Khúc cảm xúc của hắn ấm nóng đê mê. Hắn sung sướng khi làm chủ được nó. Me tha hồ vặn vẹo, ngập, dướn, quẫy, đạp, mà cái khúc ấy cứ trơ trơ…

Hóa ra hắn cũng can trường lắm chứ. Hắn đang dội những trái phá khủng khiếp vào sự coi thường dục tính của cha con hắn. Suốt đêm hôm ấy cho đến gần hết buổi sáng hôm ngày hôm sau, hắn còn vần Me ra, đẩy me lên thiên đường vài lần nữa.

Đến khi Me tã tượi đến mức không còn cảm giác nữa thì hắn mới phun trào dòng nham thạch ra trước khi núi lửa nhục dục trong lòng hắn tắt ngấm…”.  Nhà phê bình văn học Hoài Nam từng so sánh chuyện sex trong văn trẻ với nude trong nhiếp ảnh. Ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm đôi khi  mong manh.

Khác với Nguyễn Đình Tú, nhà văn Dương Hướng không đi vào chi tiết cụ thể khi viết về sex: “Men rượu vẫn nung nóng trái tim cô đơn làm tâm trí Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn. Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn.

Trong cái đêm mưa gió mịt mùng này Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong đời Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình”.

Đó là một trích đoạn trong tác phẩm nổi tiếng “Bến không chồng” của Dương Hướng. Anh tâm sự rằng: “Tôi đủ sức viết một tác phẩm thuần sex vì nhận thức của tôi về vấn đề này đầy đủ”.  Tuy vậy, Dương Hướng cũng không lạc quan khi nhìn nhận về sex trong văn xuôi Việt: “Vừa nhạt, vừa thô”.

Nhà phê bình Hoài Nam thì cho rằng: Nhà văn Việt, từ già lẫn trẻ, khi viết sex vẫn chưa khơi dậy cho người đọc cảm giác “sống” và “thật”. Trùng quan điểm với Hoài Nam, nhà văn Đào Bá Đoàn, NXB Hội nhà văn,  cho rằng: “Sex trong văn Việt còn “hời hợt, bề nổi, giả”.

Nhà văn Đỗ Phấn.

Kém hay do cắt xén?

Nhà văn Đỗ Phấn cũng là người khoái viết về phụ nữ và không ngại đụng đến sex: “Hầu như các cuốn sách của tôi, cuốn nào chả nói đến sex, không nhiều thì ít, lúc thì dày đặc, lúc thì thưa thoáng”. Song giống như đa phần nhà văn có tuổi khác, với Đỗ Phấn, sex chỉ là phương tiện để truyền tải thông điệp về tâm sinh lí, mối quan hệ xã hội của nhân vật, đôi khi chỉ để nói về vẻ đẹp.

Theo Đỗ Phấn, chôn vùi sex hay lạm dụng sex như công cụ chính, đều dễ dàng mang đến thất bại cho người viết: “Có 100 con dao, ông vứt đi 99 con, chỉ còn một con vừa chẻ củi, vừa cạo râu, thì khập khiễng, què quặt cũng dễ hiểu”. Lí do nhà văn ta đụng sex chưa sâu, Đỗ Phấn nhìn nhận: “Hạn chế của người viết là vấn đề kinh nghiệm”.

Ở đây không thuần là kinh nghiệm giường chiếu. “Như ông Vũ Trọng Phụng ngày trước, chẳng trải qua chuyện gì toàn nghe kể hết, vẫn thành công đấy thôi”. Họa sỹ, nhà văn này cũng không tin người trẻ tuổi lại thành công khi viết sex: “Nói một cô 30-32 tuổi viết về sex thì tôi không tin được vì chưa đủ bề dày. Hãy xem những tác phẩm của Márquez: “Tình yêu thời thổ tả”, “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” là trải nghiệm sex từ thời niên thiếu cho đến cuối đời, đủ thấy bề dày trải nghiệm của ông ghê gớm thế nào”.

Một số nhà văn than, tác phẩm viết về sex của họ đáng ra hoàn hảo hơn, nếu như không qua tay cắt xén của biên tập viên các nhà xuất bản. Dương Hướng kể: Khi mới chào đời “Bến không chồng” gửi đến một nhà xuất bản địa phương bị cắt xén, Dương Hướng xót con đã tức tốc mang tới nhà xuất bản ở trung ương, nên tác phẩm được giữ nguyên hiện trạng.

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đỗ Phấn “Vắng mặt” xuất bản lần đầu năm 2010, khi đó các biên tập viên cắt khá nhiều đoạn về sex. Năm 2017, “Vắng mặt” được NXB Trẻ tái bản, 10 trang sex của Đỗ Phấn bị cắt giờ được trả lại. Nhà văn vui vì “đứa con” như ý: “Nhiều khi tác giả cũng hơi bị oan. Rõ ràng người ta muốn viết nhân văn, đẹp đẽ nhưng lại bị cắt đi”.

Một biên tập viên của NXB Hội nhà văn lí giải nguyên do các đoạn sex của các nhà văn Việt hay bị cắt: “Nếu viết được như bà nhà văn Anh thì ai cắt làm gì?” (ám chỉ nhà văn E.L.James, tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng 50 sắc thái). Còn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu thì tiết lộ: Cuốn sách sex nhất chị đọc từ trước đến nay chính là “Vạn Xuân” (bộ tiểu thuyết đồ sộ viết về cuộc đời Nguyễn Trãi của nữ sĩ người Pháp Yveline Feray). Tác giả “Bóng đè” ngạc nhiên: Sex dữ dội mà chẳng hiểu tại sao lại được cấp phép?

“Nói một cô 30-32 tuổi viết về sex thì tôi không tin được vì chưa đủ bề dày”.

Nhà văn Đỗ Phấn