Những mối nguy đối với tàu sân bay nay đến từ nhiều phía. Một trong số đó, theo chuyên gia của tờ National Interest là các loại tàu ngầm không người lái. Tàu ngầm từ lâu đã là mối đe dọa với tàu sân bay. Khó khăn là làm sao tàu ngầm tìm thấy tàu sân bay, vào vị trí có thể khai hỏa bằng tên lửa hoặc ngư lôi trước khi bị máy bay và các tàu hộ tống phát hiện và tiêu diệt.
Đối với các tàu ngầm không người lái, nhiệm vụ này đơn giản hơn nhiều. Chúng có thể chờ gần như vô giới hạn, khác với tàu ngầm có người lái, tìm cơ hội tấn công tàu sân bay. Chỉ cần mang vài loại vũ khí, tàu ngầm không người lái sẽ là cơn đau đầu thường trực của tàu sân bay.
Các cuộc tấn công mạng cũng có thể làm phơi lộ vị trí của tàu sân bay và khiến nó dễ bị tổn thương trước một loạt các cuộc tấn công. Ở mức độ cao nhất, tấn công mạng khiến các hệ thống chủ chốt của tàu bị vô hiệu hóa và tàu không còn khả năng tự bảo vệ.
Mối nguy thứ ba cũng đến từ phương tiện không người lái, nhưng lần này từ trên không. Các máy bay có người lái hiện đại muốn tấn công tàu sân bay phải đối đấu với hệ thống phòng không đối phương. Tên lửa hành trình cũng vậy.
Nhưng một máy bay không người lái có năng lực ném/phóng vũ khí cận chiến hay vũ khí tầm gần có khả năng linh hoạt trong việc khắc chế mạng lưới phòng không đối phương, đặc biệt khi người sử dụng không lo về thiệt hại nhân mạng. Họ có thể khai hỏa vũ khí ở nhiều cự ly và cuối cùng tiếp cận con tàu, tấn công “cảm tử”. Một chiếc UAV rẻ tiền cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với tàu sân bay.
Mối nguy thứ tư đến từ vũ khí siêu thanh. Nga, Trung Quốc và Mỹ đều rất chú ý phát triển vũ khí siêu thanh. Khác với tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh có thể tiếp cận mục tiêu theo một đường đạn cực kỳ khó đánh chặn.