Nhớ không chỉ những người như tôi - với tư cách tác giả có bài được đăng, mà cả bạn đọc thuở ấy cũng nhớ tờ báo. Bởi họ từng say mê đọc Hoa Học Trò, thuộc vanh vách tên các tác giả xuất hiện trên từng số báo, và nhớ đến tận bây giờ. Để rồi bất ngờ trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, ở một nơi nào đó, khi vừa nghe thấy tên nhau lập tức reo lên mừng rỡ như gặp lại cố nhân, bao nhiêu ký ức xưa lại ùa về, tươi ròng, nao nức.
Cảm giác mình vẫn được nhớ tên sau ngần ấy năm đối với tôi vừa hạnh phúc, vừa tự hào. Hạnh phúc vì những gì mình viết được bạn đọc ghi nhận. Tự hào bởi mình được cùng thế hệ bạn viết ngày ấy tạo nên một dấu ấn sâu đậm không chỉ trong đời sống học đường, mà còn góp phần hình thành diện mạo văn chương trẻ giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước. Và từ môi trường ấy, nhiều người đã khẳng định được tên tuổi ở những chặng đường tiếp theo, như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Nguyễn Thị Châu Giang, Đặng Thiều Quang, Đinh Thu Hiền, Phương Mai, Kiều Bích Hậu, Bình Nguyên Trang, Dương Bình Nguyên…
Điều gì khiến tôi sau chừng ấy năm, một chiều muộn, bỏ bê cơm nước, ngồi bần thần lần giở lại những trang báo xưa úa màu, với những tác phẩm còn nhiều ngây thơ vụng dại. Một nỗi xúc động dâng đầy, chỉ ước mong sao được quay lại những ngày tháng ấy. Những ngày tháng tôi đã viết trong sự thăng hoa của cảm xúc tuổi học trò, để rồi run rẩy gửi những trang viết non nớt đến địa chỉ mình đã thuộc làu: “báo Hoa Học Trò, số 5 Hòa Mã, Hà Nội”. Rồi nín thở chờ đợi. Rồi vỡ òa sung sướng khi các sáng tác ấy xuất hiện trên trang báo kèm địa chỉ tác giả ghi trang trọng dưới tên tác giả: “Phong Điệp, lớp…, Trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định”.
Phong Điệp có nhiều tác phẩm hay, đột phá về nghệ thuật đăng trên Hoa Học Trò từ khi cô còn là học sinh chuyên Văn, Trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Phong Điệp vẫn tiếp tục nghiệp bút nghiên, làm việc tại báo Văn Nghệ Trẻ. Hiện tại, Phong Điệp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; công tác tại báo Nhân Dân.
Ngày ấy niềm vui có bài đăng trên báo Hoa Học Trò là niềm vui chung của bạn bè trong lớp, trong trường và của các thầy cô. Thơ vang lên trong buổi sinh hoạt dưới cờ, trong các buổi liên hoan văn nghệ, được hưởng ứng nồng nhiệt. Điều đó khích lệ chúng tôi viết. Không chỉ dân chuyên văn mà các các bạn khối tự nhiên và các lớp ngoại ngữ cũng sôi nổi viết bài cho báo Hoa.
Bên cạnh sáng tác văn và thơ, các cây bút học trò còn được thỏa sức sáng tạo với truyện cười, biếm họa, câu đố… Diện mạo tuổi học trò thể hiện sinh động trong từng số báo. Tiếng nói của học trò được đón nhận, nâng niu. Những người làm báo như bố Mai (nhà báo Nguyễn Như Mai), anh Lưu Quang Định, Đoàn Công Huynh, Việt Văn, chị Trang Thơ… không chỉ nhẫn nại, bao dung với đám học trò tinh nghịch, dễ bùng nổ, mà còn chịu khó lặn lội về tận các trường học để tìm kiếm, phát hiện những tác giả mới. Từ đây, Hội bút Hương đầu mùa được thành lập, tạo điều kiện để các cây bút có thể gặp gỡ, giao lưu, học hỏi nhau nhiều hơn.
Tờ báo lôi cuốn và hấp dẫn bởi chính học trò viết, học trò đọc, hào hứng, say mê. Chúng tôi đọc tác phẩm của nhau, thần tượng nhau, để rồi cố gắng viết hay hơn, sống đẹp hơn. Vì thế, dù nhìn nhận ở góc độ nào thì tờ báo cũng đã góp phần hình thành nhân cách của một thế hệ và vẫn còn nguyên giá trị. Phải chăng chính vì điều ấy mà dấu ấn của tờ báo, của thế hệ các cây viết ngày ấy vẫn sâu đậm đến tận bây giờ?