3 hạm đội Nga xuất binh tới Syria có nhiệm vụ gì?
TPO-Chiến hạm Nga có thể mang theo các loại vũ khí Syria cần hoặc làm nhiệm vụ trinh sát điện tử, hỗ trợ cảnh báo sớm và xác định mục tiêu, hướng tấn công của các đòn tập kích của Mỹ...
Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố sự gia tăng binh lực và phương tiện chiến tranh của cụm Hải quân là sự kiện bình thường của Hải quân các nước, khi tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực.
3 hạm đội cùng xuất binh
Lực lượng Hải quân Nga tiếp tục tăng cường binh lực ở Địa Trung Hải. Bộ Tổng tham mưu cho biết tàu đổ bộ hạng nặng "Nicholas Phylchenkov” thuộc hạm đội Biển Đen sẽ tiến vào vùng nước khu vực cận Syria. Tầu đổ bộ "Nicholas Phylchenkov “ có hải trình tiếp cận cảng Tartus, nơi có căn cứ quân sự của Hải quân Nga. Tàu sẽ cung cấp theo biên chế cơ sở vật chất trang thiết bị, sau khi dỡ hàng sẽ tiến hành hoạt động trực sẵn sàng chiến đấu ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Trước đó, các tàu đổ bộ "Novocherkassk" và "Minsk" và tàu trinh sát điện tử "Priazove" cũng đã tiến vào neo đậu ở vùng nước ven bờ Syria.
Trong điều kiện cần thiết, các chiến hạm sẽ tham gia cứu hộ và sơ tán các công dân Nga đang có mặt trong khu vực và Syria. Cũng theo những thông báo chính thức, tàu đổ bộ "Novocherkassk" và "Minsk" sẽ thay thế các tàu nằm trong biên chế của cụm hải quân chiến thuật Nga ở Syria. Riêng tàu trinh sát điện tử "Priazove" có nhiệm vụ đặc biệt: tàu sẽ theo dõi các tình huống xảy ra ở bờ biển Syria.
Cũng theo thông báo của Bộ tư lệnh Hải quân Nga, trong thời gian sắp tới sẽ có các tàu của các hạm đội khác, không chỉ là Biển Đen mà có thể là từ hạm đội Baltic và hạm đội Thái Bình Dương. Cần nhớ tại Hội nghị thượng đỉnh G 20, 11 nước đã ủng hộ Mỹ can thiệp quân sự vào Syria do tin tưởng rằng chính quyền Syria đã sử dụng khí độc thần kinh chống dân thường. Cũng thời điểm đó, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngay trong trường hợp Mỹ và NATO can thiệp vũ trang, Nga vẫn tiếp tục giúp đỡ Syria bằng viện trợ quân sự và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương cho biết tại Địa Trung hải đã 6 tháng liên tiếp, hải đội thuộc Hạm đội gồm 5 chiến hạm đang hoạt động. Lần đầu tiên sau 30 năm, tàu tuần dương "Đô đốc Panteleev" tàu đổ bộ hạng nặng "Peresvet" và "Đô đốc Nevel" và hai chiến hạm khác đã tiến hành cuộc hành quân giữa các hạm đội từ Vladivostok đến quân cảng của hạm đội Biển Đen tại Novorossiysk. Đến nay, các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương là cụm tàu chủ lực của Hải quân Nga tại Địa Trung hải và trực sẵn sàng chiến đấu tại đây lâu nhất. Cũng theo thông tin từ Hải quân Nga, tàu hộ vệ tên lửa "Smetlivyy" sẽ rời quân cảng hướng về Địa Trung hải trong khoảng ngày 12-14.9.2013 từ Sevastopol.
Tàu tuần dương tên lửa Moskva của hạm đội Biển Đen sẽ khởi hành đến phía đông Địa Trung Hải, sau đó, hai tàu hộ vệ hạng nhẹ tên lửa "Ivanovec" và "Shtil" cũng được lênh khởi hành gia nhập cụm hải quân hỗn hợp tại Địa Trung Hải. Những thông tin về biên chế và cơ cấu tổ chức của cụm hải quân Nga tại vùng biển Syria không được thường xuyên công bố rộng rãi từ những nguồn tin chính thức, đại đa số thường từ thông tin của những thành viên giấu tên. Như vậy, sẽ có khoảng 10 chiến hạm thuộc 3 hạm đội hải quân Nga có mặt ở vùng nước Đông Địa Trung Hải.
Tính đến ngày 6.9 đã có 3 tàu đổ bộ có trọng tải lớn gồm "Alexander Shabalin", "Đô đốc Nevel" và "Peresvet" đến Syria. Báo “Tiếng nói nước Nga” nhận xét rằng các tàu đổ bộ lớn đang vận chuyển một khối lượng đáng kể hàng hóa quân sự. Nhà bình luận quân sự Victor Murakhovski nhận xét các loại vũ khí trang thiết bị có khả năng tăng cường được sức mạnh phòng thủ của Syria hiện tại, Nga hoàn toàn không có khả năng cung cấp. Nhiều nhà phân tích cho rằng các tàu đổ bộ này đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng như trong cuộc chiến Lybia là sơ tán các công dân Nga khỏi Syria khi tình hình trở lên nguy hiểm. Nhưng thực tế, các tàu đổ bộ được hộ tống bởi các tàu tuần dương tên lửa và các tàu tên lửa hiện đại, sẵn sàng đối phó với những nguy cơ tấn công bất ngờ xuất hiện. Điều đó cho thấy, hàng hóa trên tàu không phải là hàng dân sự và mục tiêu sơ tán công dân Nga cũng chỉ đứng hàng thứ hai.
Cụm tàu chiến Nga đến Syria làm gì?
Có hai sự kiện cần chú ý: Một là sự kiện tàu đổ bộ của Trung Quốc số hiệu 999 cũng đang có mặt tại Địa Trung Hải; hai là đã có tới 4 – 5 tàu đổ bộ hạng nặng của Nga luân phiên trực sẵn sàng chiến đấu ở vùng nước Syria.
Tất nhiên, các hạm đội của Nga sẽ không tham gia vào cuộc xung đột nội bộ của Syria, nhưng người Nga cũng hiểu rất rõ một cuộc tập kích đường không của Mỹ và NATO không thể kéo dài không giới hạn. Đối tượng tác chiến của quân đội Syria chủ yếu là các lực lượng nổi dậy không có vũ khí trang thiết bị và phương tiện chiến tranh hiện đại. Cuộc không kích chắc chắn sẽ gây tàn phá và chết chóc. Những tổn thất mà người dân Syria phải gánh chịu đương nhiên sẽ được đặt trách nhiệm lên lực lượng đối lập. Và cuộc chiến tranh bằng vũ khí thông thường giữa hai bên sẽ thay đổi tính chất ban đầu. Từ việc xung đột vũ trang do mâu thuẫn tư tưởng và đòi hỏi dân chủ sẽ biến thành ‘chiến tranh chống xâm lược và tay sai”.
Ông Kramnik nhận định tương tự như ở Việt Nam trước kia, các chiến hạm Nga sẽ đơn thuần làm nhiệm vụ trinh sát điện tử, hỗ trợ cảnh báo sớm và xác định mục tiêu, hướng tấn công của các đòn tập kích đường không của đối phương, đồng thời hỗ trợ lực lượng phòng không Syria. Ngoài ra, các tàu đổ bộ có thể mang theo một khối lượng lớn các loại vũ khí cá nhân hoặc phòng không tầm gần. Điều đó thì cả người Trung Quốc và người Nga đều rất hiểu. Đồng thời trên đất Syria có cả một căn cứ hải quân của Nga cho phép nguồn cung cấp không bao giờ đứt đoạn.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp Syria không có được hệ thống S-300 thì cả Nga và Trung Quốc đều có thể cung cấp các loại hỏa lực phòng không tầm gần, nhỏ gọn và có sức cơ động cao, rất khó đánh trúng. Nếu thực sự như vậy, thì giấc mơ vùng cấm bay – một tham vọng mà NATO đặt ra trong tình huống không kích thành công, lực lượng đối lập đẩy mạnh tấn công có sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm NATO sẽ tan thành mây khói. Cuộc chiến tranh chớp nhoáng sẽ trở thành cuộc chiến tranh trường kỳ và phe tấn công sẽ bị sa lầy.
Kramnic phân tích: “Tôi cho rằng, các chiến hạm Nga được giao nhiệm vụ quan sát và theo dõi sâu tình hình, tiến hành trinh sát điện tử trên nhiều tầng không gian. Trong trường hợp tấn công bằng tên lửa hành trình, các thông tin trinh sát và cảnh báo sớm sẽ được truyền thẳng về Moscow và Damascus.”.
Nhà bình luận quân sự Victor Murakhovski cho rằng nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo sớm không được đặt ra, do bản thân phòng không Syria có đủ năng lực theo dõi tình huống chiến trường và phát hiện các vụ phóng tên lửa. Nhiệm vụ đầu tiên của cụm chiến hạm Nga là theo dõi, quan sát và thông báo tình hình chiến trường cho các nhà lãnh đạo ở điện Kremlin về tình huống đang xảy ra, các cụm quân lực công kích nào của đối phương đang triển khai. Trong tình huống khẩn cấp, có thể sơ tán vũ khí trang bị, phương tiện tác chiến từ trung tâm hậu cần kỹ thuật hải quân trên lãnh thổ Syria.
Các tình huống cho thấy cụm tàu chiến thuật Nga tại Địa Trung Hải không thụ động như vậy. Trong trường hợp không kích, các mục tiêu bị tiến công đầu tiên sẽ là hệ thống radars cảnh báo sớm và trinh sát điện tử của phòng không Syria, tiếp theo sẽ là hệ thống radar dẫn đường cho không quân và tên lửa phòng không Syria. Do đó, trinh sát điện tử của các chiến hạm Nga sẽ phải thay thế cho lực lượng tác chiến điện tử của Syria giai đoạn đầu tiên, đồng thời có thể cung cấp thông tin dẫn đường không quân Syria. Các radar chiến đấu của Syria sẽ bật vào giai đoạn đánh trả và phản kích. Như vậy, mô hình tác chiến sẽ hợp lý hơn với tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin. Người Nga đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh dài ngày cho lực lượng Mỹ và NATO.
Lịch sử của hạm đội Thái Bình Dương còn ghi lại những thành tích mà hải đoàn trinh sát điện tử của hạm đội này tác chiến trên biển Đông. Các tàu tác chiến điện tử đã cung cấp đầy đủ các thông tin của không quân hải quân Mỹ hoạt động trên Thái Bình Dương, Guam và kết quả đã nắm được ý đồ chiến thuật, hành lang cất cánh và mật độ dày đặc của các đợt không kích. Kết thúc là Mỹ thất bại thảm hại.
Vấn đề còn lại không còn là vấn đề kỹ thuật – công nghệ mà là ý chí con người. Nếu ý chí quyết tâm chiến đấu của quân đội Syria đạt ở cấp độ cao, có được sự ủng hộ của nhân dân và sự kiên định của bộ máy chính quyền Bashar al-Assad, cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ thất bại. Nếu có sự hoảng loạn về tư tưởng, khủng hoảng lòng tin và tan rã trong quân đội, chính thể Syria sẽ rơi vào diệt vong.
Một trong những sự kiện xảy ra ngày 9.0 đã thể hiện sự quyết tâm của Nga trong việc giúp đỡ, hỗ trợ Syria. Đó là vấn đề quản lý kho vũ khí hóa học Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tránh được sự can thiệp từ phía nước ngoài, nếu như trong tuần này chuyển toàn bộ vũ khí hóa học cho các tổ chức thế giới quản lý. Đây là một tuyên bố “lỗi” đáng sợ và ngay sau đó ông Kerry vội vàng sửa chữa bằng tuyên bố tổng thống Syria không sẵn sàng chuyển giao vũ khí hóa học và đảm bảo quản lý có trách nhiệm. Ngay tức khắc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga ông Sergey Lavrov đã kêu gọi chính phủ Syria bàn giao vũ khí hóa học cho các tổ chức quốc tế quản lý. Ông Walid Muallem, bộ trưởng Bộ ngoại giao Syria tuyên bố, Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga và sẵn sàng bàn giao kho vũ khí hóa học cho các tổ chức quốc tế có trách nhiệm, Syria chỉ đóng vai trò bảo vệ.
Sáng kiến chuyển giao vũ khí hóa học cho quyền kiểm soát của các lực lượng quốc tế không có được ảnh hưởng quan trọng đến những tính toán của chính quyền ông Obama do mục đích của tổng thống Mỹ hoàn toàn ngược lại. Giám đốc Viện Kennan ở Washington. DC, ông Matthew Rojansky nhận xét: “Tôi cho rằng sáng kiến đó chỉ làm phức tạp thêm con đường đi đến mục đích của Mỹ, chứ không thay đổi cơ bản các tính toán của Nhà Trắng. Những nỗ lực quan trọng của ông Obama vẫn theo hướng cố gắng đạt được sự ủng hộ từ phía Quốc hội, đồng thời lôi kéo được các đồng minh và các nước trong khu vực ủng hộ đòn trừng phạt quân sự đối với Syria, nhằm mục đích lật đổ chính thể ông Bashar al-Assad.
Theo Roansky, ông Obama đã tự tạo ra tình huống rất xấu cho bản thân và không quan tâm đến những gì người Nga cố gắng làm. Cho đến thời điểm này, tổng thống Mỹ chưa có được sự ủng hộ đa số từ phía nghị viện, cùng như chưa có được nhiều đồng minh tham gia vào chiến dịch can thiệp vũ trang. Nhưng có lẽ ông Obama sẽ đạt được điều đó.
Theo Giám đốc Viện Kennan, sáng kiến của Nga nhằm mục đích kéo dài thời gian có thể bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự chống Syria. Tổng thống Nga Putin kiên quyết không cho phép Mỹ hành động như đã tiến hành các chiến dịch ở Lybia năm 2011, khi mà Nga không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc trước sự can thiệp “nhân đạo” vào Syria. Và các nước phương tây đã sử dụng “cách mạng sắc mầu” như một lý do để lật đổ chính quyền Syria bằng quân sự.
Phó trưởng phòng cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống Mỹ cho biết nước Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về kiểm soát quốc tế vũ khí hóa học của Syria. Nhưng ông Ben Rhodes cũng khẳng định những thảo luận trên không phải nhằm trì hoãn đòn tấn công trừng phạt đối với chính thể ông Bashar al-Assad. Washington vẫn không ngừng tạo áp lực lên Damascus. Đồng thời đại diện của Bộ ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Mỹ muốn đối thoại với Nga về đề xuất kiểm soát vũ khí hóa học tại Syria.
Như vậy, trên cả hai mặt trận đấu tranh chính trị đối ngoai và quân sự, các bên trong vấn đề Syria vẫn đang ở trạng thái giằng co và chưa có quyết định thống nhất. Các đồng minh của Mỹ tiếp tục tăng lên, phong trào chống chiến tranh vẫn tăng. Syria cứng cỏi đang sẵn sàng chống lại các đòn tấn công trừng phạt của Mỹ, đồng thời Nga cũng đang cố gắng trì hoãn cuộc tập kích và tăng cường viện trợ cho quân đội Syria bằng đường biển nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và duy trì lực lượng. Những vấn đề trên là tín hiệu cảnh báo một cuộc chiến tranh sẽ kéo dài và rất khốc liệt.
Trịnh Thái Bằng, Nguồn: Ria Novosti, Bình luận quân sự Nga