Gặp nhạc sĩ Trương Quý Hải tại Ban Văn hóa - Ðoàn thể, tập đoàn FPT, trêu “Giờ anh trở thành nhạc sĩ ‘gầm cầu vượt’ rồi đấy nhỉ”, anh ngơ ngác: “Là sao?” “Thì ở mấy cái loa mắc dưới gầm cầu vượt nhẹ, cứ loa phát thanh đoạn “Công an thành phố Hà Nội kính chào người tham gia giao thông…” một lúc xong, là phát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa còn gì!”. Nhạc sĩ cười xòa: “Thay rồi nhé, giờ họ phát bản nhạc khác rồi nhé!”.
Nhắc lại chuyện 25 năm trước, nhiều người thắc mắc chuyện nhạc sĩ Trương Quý Hải ở Hà Nội, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn ở TPHCM, hai người kết hợp với nhau thế nào để ra đời một ca khúc nổi tiếng, anh kể:
“À, hồi đó cả hai chúng tôi đều là cán bộ Ðoàn. Tôi gặp Tuấn trong một chuyến tập huấn của cán bộ Ðoàn các trường đại học, cao đẳng miền Bắc tại TPHCM mùa hè năm 1993.Lúc đó tôi mới về làm Phó bí thư Ðoàn của Trường ÐH Kinh tế Quốc dân. Trong một buổi gặp mặt tại Hội quán sinh viên của trường Ðại học Tổng hợp TP HCM, chúng tôi gặp Bùi Thanh Tuấn, cán bộ Ðoàn khoa Văn của trường “chủ nhà”. Tuấn lúc đó đã có một số bài thơ đăng báo, lên đọc tặng các đồng nghiệp từ Hà Nội vào bài thơ mà khi đó Tuấn còn chưa đặt tên. Sau này Tuấn gọi đó là bài Chia tay người Hà Nội, còn người yêu nhạc thì vẫn gọi tên bài thơ giống tên bài hát- Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.
Chat hỏi chuyện Bùi Thanh Tuấn qua Facebook, anh kể, bài thơ được làm để tặng một người bạn, khi mà Tuấn chưa một lần đặt chân đến Hà Nội. Những hình ảnh đường Cổ Ngư, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hoa sữa, quán cóc… đều chỉ đến với anh qua lời kể của bạn bè.
Còn Trương Quý Hải kể, khi nghe Bùi Thanh Tuấn đọc bài thơ, những tứ thơ đặc sắc “cái rét đầu đông giật mình bật khóc”, “quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc”...đã làm rung động tâm hồn tất cả những người ngồi nghe, trong đó có cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, lúc đó đang là cán bộ Ðoàn Trường ÐH Kinh tế TPHCM. “Nghe Tuấn đọc thơ, tôi đã thích ngay cái “tứ” độc đáo nên cao hứng tuyên bố sẽ lập tức phổ nhạc, khiến nhiều người cho rằng tôi nói khoác”, anh Hải kể.
Chỉ trong vòng 30 phút, bản nhạc hoàn thành. Tối hôm đó, mọi người hẹn nhau liên hoan ở nhà nghỉ Công đoàn, nơi đoàn Hà Nội trú ngụ. Anh Hải bước vào phòng tuyên bố đã sáng tác xong ca khúc, lấy câu thơ đầu Hà Nội mùa vắng những cơn mưa làm tựa. Khi anh Hải cầm ghi-ta lên, rải hợp âm chủ Mi thứ và cất tiếng hát, mọi người đang ồn ào đều im bặt. Kết thúc bài hát, mọi người trong đó có nhạc sĩ Từ Huy và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đều bật dậy vỗ tay rồi bắt tay chúc mừng Hải.
Sau này, mọi người đều nhớ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa qua tiếng hát Cẩm Vân trong đĩa nhạc tổng hợp các bài hát về Hà Nội mang tên chính bài hát này, do Hãng phim Trẻ phát hành năm 1996. Ít người biết rằng trước đó, ca khúc đã được giới thiệu trên sóng Ðài truyền hình Hà Nội năm 1993, qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Tâm.
Trương Quý Hải khẳng định, nhờ đĩa nhạc Hà Nội đêm trở gió, ca khúc trở nên nổi tiếng và được đông đảo người yêu nhạc biết đến, được hát ở khắp mọi nơi. Anh bồi hồi nhớ lại giai đoạn 1996-1999, thời “cực thịnh” của chương trình Làn sóng xanh, ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được yêu cầu và bình chọn rất nhiều lần. Năm 2007, kỷ niệm 10 năm Làn sóng xanh, anh đã bay vào TP. HCM để nhận giải thưởng thành tựu cho bài này.
Không lâu sau ca khúc này, Trương Quý Hải trình làng ca khúc nổi tiếng tiếp theo là Khoảnh khắc. Mãi đến tận năm 2009 anh mới từ bỏ con đường làm cán bộ Ðoàn, rồi cán bộ phụ trách công tác Ðảng - Ðoàn thể, để chuyên tâm cho việc sáng tác trong đó có việc cho ra đời trường ca 5 chương mang tên Người Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ði đâu mà nói tên ra, người ta nhớ ngay Trương Quý Hải là tác giả của Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, chứ ít người đem Khoảnh khắc hay Tự khúc ngày sinh ra để định danh nhạc sĩ này. Với Bùi Thanh Tuấn cũng không khác. Dù có nhiều bài thơ hay khác, công chúng chỉ biết đến anh với tư cách tác giả bài thơ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.