Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức. Vòng Bán kết đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu chính được đặt tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Vòng Bán kết cuộc thi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các em học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Qua vòng sơ loại, ban tổ chức đã chọn được 205 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh thành vào Vòng Bán kết.
“Tôi đề nghị các em học sinh, sinh viên hãy bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị các nội dung chi tiết để trình bày thật tốt dự án ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình. Tôi cũng mong các thành viên ban giám khảo chấm thi trên tinh thần khách quan, chính xác các ý tưởng, dự án dự thi, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên”, ông Khánh nói.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, Vòng Bán kết cuộc thi Startup Kite 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến, kéo dài từ nay tới ngày 2/10. Chủ đề cuộc thi năm nay là các ý tưởng, dự án trong mọi lĩnh vực nhằm hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh COVID-19 và trạng thái bình thường mới.
Theo bà Huyền, các ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá trên các tiêu chí: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.
Ban tổ chức cũng đã mời các doanh nhân trẻ thành đạt là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam làm thành viên Ban giám khảo và đồng hành với ý tưởng của các em học sinh, sinh viên.
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam bày tỏ sự ấn tượng với số lượng ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nghề tham gia cuộc thi năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19. Điều này, theo đại diện UNFPA, những người trẻ tuổi thực sự quan tâm đến người lớn tuổi và người khuyết tật, truyền cảm hứng cho mọi người phải đổi mới.
“Sự tham gia của nhiều ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nghề cũng chứng tỏ chúng ta cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa để giới trẻ thể hiện sự đổi mới và sáng tạo của mình”, bà Naomi Kitahara nói.