20 năm sự kiện 11/9: Thất bại vì ảo tưởng ở Afghanistan

TPO - Chiều 11/9/2001, Najib đang ở nhà nghe bản tin trên đài phát thanh. Khi đó thủ đô Kabul của Afghanistan chưa có Internet, và hầu như không có nguồn tin nào khác ngoài kênh phát thanh Voice of Shiria của Taliban.

Đài phát thanh lúc đó đọc tin máy bay đã đâm vào các toà nhà ở thành phố New York và thủ đô Washington của Mỹ. Khi đó, Najib mới 13 tuổi. Cậu quay sang hỏi bác: “New York và Washington ở đâu ạ?”. Bác cậu không biết, nhưng ông nghĩ New York có thể là một quốc gia.

Najib sống cùng gia đình ở khu dân cư gần Wazir Akbar Khan, nơi có những ngôi nhà tường cao, có vườn cây là nơi ở của nhiều lãnh đạo Taliban và al-Qaeda. Họ thỉnh thoảng đến khu dân cư của Najib, nơi cậu vẫn tranh thủ rửa kính ô-tô hoặc cố bán món đồ thủ công nào đó mà mẹ và các chị em gái của cậu làm ra để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Dưới thời Taliban cai trị, mẹ và các chị em gái của cậu hầu như phải ở nhà.

Najib nói rằng, những người Ả-rập thuộc al-Qaeda không phải khách hàng tốt. Những nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ và nhà báo sống ở khu vực Najib ở dễ chịu hơn vì họ thường cho cậu vài đô la, số tiền có thể giúp nuôi sống gia đình cậu và cho cậu đi học. Cậu cũng học được chút tiếng Anh qua những lần giao tiếp với người nước ngoài.

Tin tức mà cậu nghe trên đài phát thanh hôm đó có tác động rõ ràng lên Wazir Akbar Khan ngay ngày hôm sau. Khi đang lang thang bán hàng, cậu nhìn thấy các thủ lĩnh al-Qaeda cùng gia đình và nhóm vệ sĩ vội vã rời đi trên những chiếc xe đa dụng. Sự sợ hãi bao trùm Kabul trong những ngày sau đó, khi nhiều người rời gia đình đến các ngôi làng xa hơn. Trên những sườn đồi gần đó, các tay súng Taliban đang chuẩn bị vào vị trí để bắn máy bay. Mỹ khi đó chưa tuyên bố chiến tranh chống khủng bố, nhưng mọi người đều đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Khi đó, Najib mới biết rằng New York là một thành phố của Mỹ.

“Tôi vẫn nhớ tối hôm nghe tin về vụ khủng bố 11/9. Khi đó tôi tự hỏi mình: Nhà Trắng là gì? Vì sao chuyện ngôi nhà màu trắng lại quan trọng?”, Najib kể lại.

Gần 20 năm sau, Najib nói tiếng Anh trôi chảy, có gia đình và sự nghiệp thành công. Sau những ngày bán hàng rong trên phố, Najib đã thực hiện được giấc mơ mà cả người Afghanistan và người Mỹ phải tán thưởng. Nhưng khi Taliban trở lại Kabul vào tháng 8/2021, Najib ngay lập tức đưa gia đình rời đi vì sợ sẽ bị Taliban trả đũa.

Mùa xuân vừa qua, Najib xem một chương trình truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng mà cách đây 2 thập kỷ anh không hiểu nổi. Và những gì anh nghe thấy lần này lại tiếp tục thay đổi cuộc đời anh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rút quân vô điều kiện khỏi Afghanistan. Ông nói rằng “đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến không hồi kết”.

Những cuộc chiến không hồi kết mãi là chủ đề trong lịch sử Afghanistan. Trong suốt 3 thế kỷ, những đế chế từ phương xa, như Anh quốc hồi thế kỷ 19, Liên Xô thế kỷ 20 và Mỹ thế kỷ 21, đều đến chinh phục Afghanistan nhưng không thành.

Dấu chân của Mỹ ở Afghanistan từ năm 2001 là sự trở lại, vì trước đó Mỹ đã bí mật ủng hộ lực lượng mujahedeen để chống Liên Xô trong những năm 1980. Kết thúc lỏng lẻo của cuộc chiến đó mở đường cho sự kiện 11/9. Nhiều người Afghanistan vẫn ủng hộ Mỹ, nhiều lãnh chúa đổi phe liên tục để bảo vệ lợi ích của mình. Và giờ đến lượt Taliban khải hoàn trở lại.

Afghanistan cuối cùng trở thành biểu tượng cho cuộc chiến không dẫn đến thay đổi gì, ngoại trừ máu đổ nhiều hơn. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, từng có hy vọng trong một khoảng thời gian rằng những xung đột ý thức hệ lớn đã qua đi, mở ra một giai đoạn mới cho hợp tác và tiến bộ. Nhưng thay vào đó, nó được tiếp nối bằng những cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, và thế giới ngày nay có vẻ sẽ tiến đến một cuộc xung đột giữa các siêu cường.

Một thực tế phũ phàng là sau nhiều cái chết và tốn kém tiền bạc, Mỹ có rất ít thành quả để tổng kết sau các cuộc chiến hậu 11/9. Một nhà lãnh đạo độc tài bị lật đổ ở Iraq, nhưng quyền kiểm soát một phần rơi vào tay kẻ thù cũ của Mỹ là Iran.

Ở trong nước, dư luận Mỹ chia rẽ và đã có hơn 31.000 binh lính tại ngũ hoặc cựu binh từng phục vụ trong chiến tranh ở Afghanistan và Iraq tự tử, nhiều gấp bốn lần số lính chết Mỹ trên chiến trường. Và giờ, ngay trước dịp tưởng niệm 20 năm đau thương do các cuộc tấn công của al-Qaeda vào New York và Washington gây ra, Taliban trở lại cầm quyền.

Tổng thống Biden gây chú ý với việc chọn thời điểm thông báo kết cuộc chiến trường kỳ của Mỹ khi cho biết tất cả lính Mỹ sẽ về nhà trước ngày 11/9. Ông cũng chọn đúng vị trí ở Nhà Trắng nơi Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố vào tháng 10/2001.

Andrew North, một nhà báo của BBC, kể rằng các phóng viên phụ trách đưa tin về cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thường có những chuyến đi dành cho các đoàn nhà báo đến hàng loạt căn cứ của quân đội Mỹ và đồng minh trên khắp Afghanistan và Iraq. Những địa danh như Bagram, Bastion, Salerno, KAF (phi trường Kandahar), hay Balad, Falcon, Speicher ở Iraq trở thành cột mốc tinh thần trong tâm trí binh lính. Ngoài những căn cứ đó còn có một chùm tiền đồn nhỏ hơn.

Ở những căn cứ quân sự lớn có dịch vụ xe buýt để đưa binh lính và các nhà thầu đi từ địa điểm này đến địa điểm khác. Thành phố Kandahar ở miền nam Afghanistan có nhiều nhà hàng pizza, quán café, tiệm cắt tóc với nhân viên là phụ nữ Kazakhstan và Kyrgyzstan, cùng với một cửa hàng lớn để binh lính có thể mua TV, đầu DVD và các thiết bị điện tử khác.

Các tờ hướng dẫn ở đây không được dịch ra Pashto hay Dari - hai ngôn ngữ chính của Afghanistan. Có lẽ là vì cuộc chiến Afghanistan được điều hành bởi Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM), một trong những bộ chỉ huy khu vực quan trọng nhất của Mỹ, với trọng tâm hoạt động là Trung Đông. Nhưng đến tận bây giờ, sau 20 năm chiến tranh, nhiều người Mỹ vẫn nghĩ Afghanistan là một phần của Trung Đông.

Kandahar là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp với tầm nhìn ra biển và những bãi cỏ xanh mướt. Cuối tuần, lính Mỹ đóng ở Kandahar được xả hơi và ăn uống no nê nhờ các máy bay chở về đây một lượng lớn tôm hùm và bít tết. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi có giai đoạn Mỹ phải chi tới hơn 1 triệu USD/năm chỉ cho một lính Mỹ ở Afghanistan.

Trong nhiều năm, binh sĩ ở các căn cứ quân sự lớn có thể chén ngày 4 bữa nóng sốt nếu họ muốn. Trong khi đó, đối phương của họ, quân nổi dậy ở Afghanistan hoặc Iraq, ăn uống đạm bạc, kham khổ; hoặc trong những căn nhà bên ngoài sân bay Kandahar luôn có những đứa trẻ thiếu ăn, còi xương, suy dinh dưỡng.

Với nguồn lực khổng lồ, quân đội Mỹ có thể mang một chuỗi pizza tới một căn cứ không quân Afghanistan và biến nó thành một nét riêng của Mỹ. Nó giúp cho các công ty, nhà thầu Mỹ kiếm được bộn tiền. Nhưng để làm gì? Tôm hùm có chống được khủng bố?

Trong khi đó, không ít dân thường trở thành nạn nhân của cuộc chiến chống khủng bố. Bị tình nghi là khủng bố, họ bị lính Mỹ hùng hổ xông tới bắt giữ, đánh đập, thậm chí sát hại dã man. Họ bị bắt trói, bịt mắt đưa khỏi nhà, bị đánh bom từ trên không. Tất cả chỉ vì một tin báo giả, một manh mối ất ơ nào đó. Các đám cưới ngoài trời bị Mỹ không kích thường xuyên đến nỗi những vụ việc như vậy trở thành một trong những nỗi khiếp đảm đặc trưng của cuộc xung đột, bên cạnh đánh bom tự sát của Taliban và IS.

Trước đây từng có vài cuộc chiến chống khủng bố diễn ra cùng lúc ở Afghanistan. Các trận đột kích ban đêm và không kích hầu hết tập trung ở các ngôi làng và thị trấn nhỏ nơi Taliban có chỗ đứng vững chắc nhất, cũng là nơi hầu hết người Afghanistan sinh sống.

Trong vài năm cuối cùng của cuộc chiến, xung đột diễn ra chủ yếu một chiều – Taliban và IS đánh bom tự sát và tổ chức ám sát để gieo rắc nỗi sợ hãi và làm suy yếu chính phủ. Tuy nhiên, Afghanistan vẫn phát triển và thay đổi. Lớp trẻ của Kabul đã tạo ra một nền văn hóa mới, kết nối với thế giới. Nhiều thanh niên lên mạng bày tỏ phản ứng trước sự tiếp quản của Taliban. Thậm chí không ít phụ nữ trẻ đi đầu trong nhiều cuộc biểu tình trên đường phố Kabul.

Trong những chiếc xe Mỹ chất đầy vũ khí hiện đại của Mỹ, các chiến binh Taliban tiến vào Kabul ngay trước thềm kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9. Đây là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh, uy tín của Mỹ.

Hai mươi năm trước, siêu cường cần trả thù cho gần 3.000 người thiệt mạng trong ngày tháng 9 khủng khiếp ấy. Ít nhất 400.000 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq sau sự kiện 11/9. Nhiều người chết bởi bom đạn của quân nổi dậy, nhưng cũng có hàng chục nghìn người gục ngã bởi lính Mỹ.

“Chính chúng tôi, những người Afghanistan, mới là những người phải trả giá cho cuộc chiến chống khủng bố của các bạn”, Najib nói. Anh đang cố gắng tạo dựng cuộc sống mới ở một đất nước mới.