2 ca ngộ độc pate Minh Chay phải dùng ‘thuốc mồ côi’ 8.000 USD/ lọ hiện ra sao?

TPO - Tin từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai - nơi đang điều trị cho cặp vợ chồng bị ngộ độc pate Minh Chay cho biết, bệnh nhân nữ hiện đang có tiến triển tốt, đã tự ngồi dậy, mở mắt, nhưng vẫn liệt cả tay chân, phải thở máy. Người chồng vẫn đang thở máy và tiếp tục theo dõi.
Ảnh minh họa: Internet

Theo TS - BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thông tin mới nhất về sức khỏe của cặp vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) quê Hà Nội đang được điều trị tại đây sau khi dùng 2 lọ thuốc hiếm mua về từ Thái Lan, đã có những tiến triển ban đầu.

Hiện bệnh nhân nữ hiện đang có tiến triển tốt, bệnh nhân đã tự ngồi dậy, mở mắt, há miệng bình thường. Bệnh nhân hiện vẫn liệt cả tay chân, phải thở máy nhưng đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang tiếp tục được theo dõi. Với bệnh nhân nam vẫn đang thở máy và tiếp tục theo dõi.

Trước đó, sản phẩm pate Minh Chay do vợ chồng bệnh nhân mua hàng online. Từ đầu tháng 7, vợ chồng ông đã ăn hết một lọ pate Minh Chay nhưng chưa có biểu hiện lạ. Đến gần hết hộp thứ hai, họ bắt đầu đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay chân và khó thở.

Ngày 18/8, hai ông bà nhập viện với biểu hiện liệt lan tỏa: liệt từ vùng đầu mặt cổ, liệt lan xuống tới tay chân, liệt cả 2 bên. Đây là những biểu hiện liệt phổ biến, đặc trưng của ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum gây ra.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khi nhập viện và được điều trị người chồng trong tình trạng nặng, dù đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Người vợ cũng bị liệt cơ, không tự ngồi dậy được, không tự ăn và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.

Liên quan đến việc điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: “Thuốc điều trị ngộ độc Botulinum được xem là “thuốc mồ côi”, do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng thất thường nên các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến.

Tại Việt Nam, hiện không có loại thuốc điều trị này. Do đó, ngay sau khi xuất hiện 2 ca bệnh nặng, Bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với các cơ quan y tế để có thuốc giải độc. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc với Bộ Y tế, các trung tâm chống độc tại Thái Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan, Việt Nam.

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, đến nay đã có hơn chục bệnh nhân ăn sản phẩm của Pate Minh Chay tới khám. Trong đó, ngoài hai bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Trung tâm, các bệnh nhân khác có triệu chứng nhẹ hơn, chức năng sống vẫn bình thường và vận động bình thường. Các bệnh nhân này hiện đang được tiếp tục theo dõi, không có nguy cơ tiến triển nặng hơn.