Hành vi của ông Phan Văn Vĩnh “đáng lên án nhất”
Theo Hội đồng xét xử, hệ thống các cổng game trong vụ án được các Cty CNC và VTC online xây dựng và chỉ hoạt động trong 28 tháng nhưng đã thu hút gần 43 triệu tài khoản đánh bạc, thu về gần 10.000 tỷ đồng. Hệ thống này hoạt động dưới sự bảo kê của bị cáo Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu trướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50).
“Phan Văn Vĩnh là Tổng cục trưởng đáng lẽ phải đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng lại đồng tình cho phạm tội nên hành vi của bị cáo là đáng lên án nhất so với các bị cáo khác” - chủ tọa tuyên đọc bản án. Vì vậy, dù bị cáo đã bị tước quân tịch, khai trừ Đảng nhưng vẫn cần áp dụng biện pháp cách ly khỏi xã hội, đồng thời chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền.
Tương tự, HĐXX khẳng định bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là người đã bao che cho hoạt động tổ chức đánh bạc; đề xuất cho CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám của C43 nhằm tạo rào cản, không cho các cơ quan chức năng khác kiểm tra CNC. Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo, tướng Hóa không chấp hành và sau đó báo cáo không trung thực. Để che giấu hành vi phạm tội, năm 2017, bị cáo Hóa chỉ đạo soạn thảo văn bản lùi về năm 2011 để trình bị cáo Vĩnh ký.
Cũng như bị cáo Vĩnh, bị cáo Hóa cho rằng để CNC đánh bạc nhằm có kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng nhưng thực tế không hề có việc này. “Bản chất hành vi của các bị cáo Vĩnh, Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ nhưng hiện tại chỉ có thể xử lý ở hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn”, do đó HĐXX tuyên phạt bị cáo Hóa 10 năm tù, nộp phạt 100 triệu đồng về tội “Lợi dụng chức vụ...”.
Tịch thu hàng nghìn tỷ đồng
HĐXX khẳng định, có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch CNC đã lợi dụng danh nghĩa bình phong của C50 để hợp tác với Phan Sào Nam - GĐ VTC online phát hành game bài khi chưa có sự cho phép. Qua đây, Dương hưởng lợi hơn 1.655 tỷ đồng và để che giấu tiền bất chính, bị cáo đã nhờ người thân quen, chỉ đạo cấp dưới đầu tư dự án, mua bất động sản... nhằm rửa tiền. Vì vậy, tòa phạt Nguyễn Văn Dương án 10 năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.
Tiếp đến, bị cáo Phan Sào Nam được xác định đã ký hợp đồng xây dựng game bài, chỉ đạo nhóm của mình tổ chức đánh bạc, thu lời hơn 1.400 tỷ đồng. Nam xử lý số tiền này bằng cách thanh toán hóa đơn khống nhằm triệt tiêu tiền trên sổ sách, khiến người khác hiểu đây là tiền hợp pháp. Tuy vậy, Phan Sào Nam có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tòa án cũng nhận đơn của 400 người xin giảm án cho Nam. Tuy đây không phải tình tiết giảm nhẹ nhưng có thể coi là sự giảm nhẹ của xã hội với hành vi của bị cáo. Từ đó, HĐXX tuyên phạm Phan Sào Nam phạm vào các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”, nhận án tổng hợp 5 năm tù.
Đáng chú ý, HĐXX quyết định Nguyễn Văn Dương phải nộp lại số tiền hơn 1.600 tỷ đồng hưởng lợi. Hiện nay bị cáo mới nộp lại hơn 200 tỷ đồng nên cần tiếp tục tịch thu, kê biên các tài sản của Dương đồng thời yêu cầu các Cty nợ tiền của bị cáo phải hoàn trả nhằm đảm bảo thi hành án. Bị cáo Phan Sào Nam dù đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả nhưng cũng sẽ tiếp tục bị tịch thu, kê biên tài sản. Về hơn 3 triệu USD Nam gửi tại Bank of Singapore, tòa án cho biết sẽ xử lý theo các công ước quốc tế Việt Nam tham gia.
Trong vụ án, các nhà mạng cũng được hưởng lợi hơn 1.232 tỷ đồng bằng việc phát hành thẻ cào viễn thông. Tuy nhiên, tòa án đã trừ đi chi phí hợp lý, tiền thuế... và xác định Vietel hưởng lợi hơn 913 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone hưởng hơn 147 tỷ đồng, cần nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone hưởng lợi hơn 171 tỷ đồng và phải nộp lại hơn 15 tỷ đồng....
Kiến nghị điều tra giai đoạn 2
Tòa án cũng kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ điều tra giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm các một số cá nhân để các đối tượng đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài; điều tra tỷ lệ ăn chia giữa CNC và C50; điều tra việc Nguyễn Văn Dương khai đưa tiền cho một số cán bộ công an.
Cũng theo tòa án, phải làm rõ trách nhiệm các ngân hàng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn để các đối tượng lợi dụng thanh toán; phải làm rõ sai phạm trong việc cho thuê đặt máy chủ vận hành đánh bạc của các Cty thuộc Viettel và VNPT. Đặc biệt, tòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TTTT và các ngành liên quan tăng cường quản lý thẻ cào viễn thông...
Tòa án kiến nghị Bộ Công an không để các Cty nghiệp vụ lợi dụng danh nghĩa công an để vi phạm pháp luật; làm tốt công tác cán bộ, tránh trường hợp như bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là Cục trưởng về phòng chống tội phạm công nghệ cao nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, với bản án dài 400 trang nên các bị cáo được ngồi và có quyền chăm sóc sức khỏe nếu cần. Quá trình tuyên án, bị cáo Phan Văn Vĩnh bất ngờ nhập viện để điều trị, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng phải vào phòng y tế. Theo luật sư Huyền Trang, thân chủ của bà là bị cáo Vĩnh sức khỏe gần đây rất yếu, phải điều trị bệnh về tim mạch trong tuần nghị án và đã rất cố gắng khi có mặt tại tòa.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa được đưa xuống sân tòa xét xử. Ảnh Như Ý