Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định chi 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 9.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi chia buồn tới gia đình các nạn nhân và yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương huy động lực lượng tìm kiếm những ngư dân mất tích và tập trung cứu chữa miễn phí những người bị thương do bão số 9, hạn chế thấp nhất tử vong xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ lương thực, ổn định chỗ ở cho các hộ có nhà cửa bị sập hỏng và giúp họ sớm sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa, không để người dân bị đói và phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất". Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ mỗi hộ bị sập nhà hoàn toàn là 5 triệu đồng, và hộ có nhà bị tốc mái là 2 triệu đồng.
Các địa phương cũng cần nhanh chóng khôi phục lại hệ thống đường giao thông, điện, thông tin liên lạc và cấp nước, nhanh chóng cấp kinh phí sửa chữa, khôi phụ hoạt động hệ thống trạm xá và trường học.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các tỉnh phải chỉ đạo kiểm soát giá cả, tránh tình trạng lợi dụng bão để nâng giá và tổ chức giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Ngành ngân hàng khoanh nợ và giãn nợ cho các tàu thuyền của ngư dân bị chìm, các cơ sở sản xuất và trợ giúp giống sản xuất.
Bão số 9 làm 67 người chết, 31 người mất tích và gần 1.100 người bị thương. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 47 người chết và 21 người mất tích, tiếp đến là tỉnh Bến Tre có 15 người chết.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, con số thiệt hại về người do bão số 9 tính đến 8h sáng nay là 67 người chết, 31 người mất tích và gần 1.100 người bị thương. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 47 người chết và 21 người mất tích, tiếp đến là tỉnh Bến Tre với 15 người chết. Ngoài ra, bão còn gây sập, đổ và hư hỏng hơn 200.000 căn nhà cùng hơn 850 phòng học và làm đắm hơn 800 chiếc thuyền.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn, trong những ngày tới các địa phương này còn tiếp tục phải lo đề phòng lũ lớn, lũ quét và tình trạng sạt lở đất sau cơn bão.
Ngoài ra, tại một số địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng vật liệu xây dựng, đã tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Các loại tôn, ngói, gỗ làm xà gồ để lợp nhà đều trong tình trạng khan hiếm và giá tăng từ 10-30% so với trước.
Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ bị ảnh hưởng bởi bão số 9. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và toàn thể cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đã tự nguyện góp mỗi người tối thiểu một ngày lương.
Các tỉnh Thái Nguyên, Khánh Hòa, Tây Ninh và Bình Dương cũng trích ngân sách và quyên góp được tổng cộng 1,87 tỷ đồng gửi tới đồng bào các tỉnh vừa bị thiệt hại do bão số 9 gây ra. Trước đó, trong ngày 6/12, nhiều cơ quan, bộ, ngành cũng đã ủng hộ đồng bào bị bão lũ 6,8 tỷ đồng cùng hàng ngàn thùng hàng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố vẫn đang kêu gọi các cá nhân, đơn vị ủng hộ tiền và vật chất cứu trợ người dân bị bão số 9 để họ sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.