Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Bộ Xây dựng nhận định cơ chế, chính sách bán nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
“Mặc dù Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chính sách mới, thông thoáng trong việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng do lần đầu tiên quy định về vấn đề này nên nội dung của Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, quy định về đối tượng, loại nhà ở được mua và sở hữu còn những trở ngại nhất định. Do đó, dẫn đến thực tế là sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết thì chỉ mới có một số lượng ít tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua và sở hữu nhà ở.
Khó hơn các nước trong khu vực
Theo số liệu báo cáo của các địa phương gửi Bộ Xây dựng, tính đến hết Quý 2/2013, trên phạm vi cả nước, có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị quyết của Quốc hội cho phép 5 loại đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng qua đánh giá, tổng kết của các địa phương, ý kiến góp ý của nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, cũng như một số kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động, làm việc tại Việt Nam, thì chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, vẫn chưa thu hút được nhiều số lượng cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.
Trong số 126 trường hợp mua nhà ở tại Việt Nam, chủ yếu là các cá nhân nước ngoài (chiếm khoảng 80%), các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm khoảng 20%).
Thực tế, có ít doanh nghiệp nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam một phần do chi phí mua nhà ở còn quá cao so với chi phí thuê nhà ở cho người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở; một phần do doanh nghiệp không được cho thuê, không được bố trí cho cá nhân trong nước sử dụng khi nhà ở đã mua không sử dụng hết hoặc bỏ trống khi các chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp hết hạn về nước.
Trong số 108 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam, chủ yếu tập trung các đối tượng là cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, cá nhân đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp thuê giữ chức danh quản lý. Các đối tượng khác như người được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Huy chương, người đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định, người có kỹ năng đặc biệt hầu như không có trường hợp nào mua nhà ở.
Kiến nghị sửa nghị quyết
Theo Nghị quyết Quốc hội, so với công dân Việt Nam ở trong nước, các chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài bị hạn chế bởi một số quyền: Tại một thời điểm cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu 1 căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở; Không được sở hữu nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề); không được cho thuê nhà ở hoặc sử dụng nhà ở vào các mục đích khác hoặc góp vốn bằng nhà ở; Chỉ được bán lại nhà ở sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở; Thời gian sở hữu nhà ở là có thời hạn: Đối với cá nhân là 50 năm; đối với doanh nghiệp thời gian sở hữu là thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng cho rằng, chính sách này còn có những hạn chế nhất định nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.
“Cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi chính sách này cho phù hợp, khi hết thời hạn thí điểm Nghị quyết này vào cuối năm 2013” – Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.