Đó là một trong số những nội dung tại Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố" vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức chiều 19/11.
Trình bày tờ trình, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông thông minh gồm khung kiến trúc vật lý và khung kiến trúc thông tin. Trong đó, khung kiến trúc vật lý có 4 thành phần chính, bao gồm: Người dùng ITS (người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý), phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Khung kiến trúc thông tin gồm 5 lớp, gồm: Hạ tầng thiết bị và kết nối, dự liệu số, nền tảng số, các ứng dụng của ITS và các kênh giao tiếp giữa hệ thống ITS với người dùng.
Hệ thống ITS sẽ có 12 chức năng, gồm: giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự giao thông, quản lý giao thông công chính, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông…
Dự kiến, đề án sẽ triển khai qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2025 - 2027) sẽ hình thành và đưa vào khai thác 9/12 chức năng.
Trong giai đoạn 2 (2028 - 2030) sẽ mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng đã hình thành trong giai đoạn 1. Đồng thời, hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030), sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố; kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố, đưa Hà Nội trở thành thành phố có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Trình bày báo cáo Thẩm tra, đại diện Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) cho rằng, đây là nội dung lớn, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, cần phải xem xét, đánh giá thận trọng.
Ban Đô thị cho biết, thành phố đang triển khai xây dựng đề án "Thành phố thông minh" với 7 hợp phần, và "Đề án Giao thông thông minh" là 1 trong 7 hợp phần đó. Do đó, thành phố cần xem xét đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, có khả năng kết nối, đảm bảo khả thi, tránh lãng phí.
Ban Đô thị cũng đề nghị làm rõ các khái niệm “thông minh” khi thực hiện Đề án. Đồng thời, đảm bảo không chồng chéo với các nội dung đề án khác.
Báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đề án trên ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý và điều hành giao thông của ngành giao thông vận tải. Do đó, việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, hệ thống giao thông thông minh được xác định là một thành phần trong Đề án "Thành phố thông minh". Do vậy, trong quá trình xây dựng Đề án, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Sở TTTT để thống nhất đảm bảo đồng bộ mục tiêu, phạm vi, kết nối, kết quả với đề án "Thành phố thông minh".