10 tỷ USD bị “thổi bay” trong 1 tuần, Ủy ban Chứng khoán vẫn…im lặng

Việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong thời gian gần đây khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy “khó hiểu” bởi kinh tế vĩ mô vẫn diễn biến tích cực và không có thông tin xấu “đột biến” nào.
Chỉ số chính VNIndex đã mất tới gần 77 điểm trong tuần qua

76,64 là số điểm mà chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đánh mất trong tuần giao dịch vừa qua. Chỉ số đã lao từ ngưỡng 1.040,98 điểm cuối tuần trước xuống còn 963,9 điểm trong phiên thứ sáu, đánh mất mốc 1.000 điểm ngay trong những phiên đầu tuần. Mức đóng cửa của VN-Index trong tuần này cũng là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tình trạng này dẫn đến, chỉ trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua, vốn hoá sàn TPHCM (HSX) đã giảm tới 225.522 tỷ đồng, nghĩa là khoảng 10 tỷ USD đã bị “đánh bay” khỏi thị trường (chưa tính sàn HNX và sàn UPCoM).

Việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong thời gian gần đây khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy “khó hiểu” bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn diễn biến tích cực và không có thông tin xấu “đột biến” nào.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trong những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD.

Như vậy, việc thị trường lao dốc mạnh dường như chỉ có thể lý giải bởi… trước đó, các chỉ số đã tăng trưởng quá nóng. Bằng chứng là nhiều cổ phiếu trụ cột đã giảm tới 50% và hoạt động bán còn nhắm vào cả những mã cổ phiếu được cho là “cơ bản”, khiến ngay cả những nhà đầu tư theo triết lý “đầu tư giá trị” cũng bị thiệt hại nặng nề.

Thanh khoản suốt nhiều phiên duy trì ở mức thấp, cho thấy giới đầu tư vẫn đang găm giữ tiền mặt thay vì giải ngân mua cổ phiếu, hoặc đã hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác.

Trong khi tâm lý nhà đầu tư hoang mang và chờ đợi một phát ngôn chính thức từ phía cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tuy nhiên, cơ quan này vẫn im lặng.

Mới đây, tại một phiên làm việc với các lãnh đạo ngành về triển vọng kinh tế vĩ mô 2018, trước diễn biến không ổn định, mật độ tăng giảm dày của thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát và đánh giá đầy đủ các yếu tố chi phối khác, kể cả giao dịch nội gián.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh thị trường cơ sở khó khăn như hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, song với điều kiện phải trang bị đủ kiến thức do đây không phải là một công cụ dễ dàng do tỷ lệ margin lớn.

Trong phiên cuối tuần, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng tổng cộng 515 tỷ đồng trên HSX, tập trung vào VIC, VRE, VHM và VJC. “Điều này gây ảnh hưởng đến thị trường, và nếu tiếp tục có thể làm chỉ số giảm sâu hơn nữa trong những phiên tới”, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét.

Tuy nhiên, theo VDSC, nhà đầu tư không nhất thiết phải rời bỏ thị trường vào lúc này, khi mà định giá các cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn hơn nhiều so với 2 tháng trước. “Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm để tích cực tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng”, theo VDSC.

Theo Theo Dân trí