'Yêu râu xanh' nghĩ gì sau song sắt (Kỳ 4)

Hành vi của những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đều rất giống nhau: không vượt qua được sự thúc ép của bản năng và rất nhiều kẻ phạm tội khi ra trước vành móng ngựa lại không thể hiểu nổi tại sao mình lại phạm tội.
Hoàng Văn Tuấn lầm lũi trở lại buồng giam, sau lần hiếm hoi được nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Ảnh: Viễn Sự
 

Bước qua lằn ranh

Chúng tôi gặp Hoàng Văn Tuấn ở trại giam Sơn La vào một ngày rét đậm đầu tháng 3. Từ lối hành lang sâu hun hút, Tuấn bước ra, hai tay che mặt vì chưa quen với ánh sáng mặt trời sau một tháng bị tạm giam.

Câu đầu tiên Tuấn nói, vẻ rất thật lòng pha lẫn cả chút mừng rỡ: “Cả tháng nay cháu mới nhìn thấy được ánh nắng mặt trời”. Nhưng giây phút tận hưởng ấy qua rất nhanh, sau đó Tuấn cúi gằm mặt, không dám ngẩng lên suốt cả buổi nói chuyện.

Bởi chỉ hơn một tháng trước, cậu học trò lớp 12 ở xã Chiềng Hặc, Mộc Châu (Sơn La) chưa bao giờ nghĩ ánh nắng mặt trời lại có lúc trở thành điều quý giá với mình đến thế.

Đang là học sinh, học trung bình nhưng hạnh kiểm khá tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự... Những thông tin ấy về Tuấn đủ làm cho bạn bè, gia đình và cả bản thân Tuấn bàng hoàng khi giữa buổi sáng mồng 1 tết, công an ập đến nhà, bắt khẩn cấp Tuấn về hành vi hiếp dâm trẻ em xảy ra trước đó 1 giờ.

“Cháu có uống chén rượu khi đi chúc tết với mấy đứa trong xóm cô chú ạ” - Tuấn lí nhí như muốn bào chữa, nhưng chợt khựng lại vì hiểu không lý do nào có thể bào chữa được.

Cô bé bị Tuấn và Hoàng Văn Kiên xâm hại mới bước qua tuổi 15, là người ở Hà Nội lên bản thăm bà con, cả ba chỉ mới gặp nhau sau giao thừa khi cả nhóm kéo nhau đi chúc tết.

Và khi trời mờ sáng, sau những chén rượu chúc tết, Tuấn và Kiên đã không kìm được bản năng, làm nhục cô bé mới quen ngay ở vườn mận bên đường...

Tuấn kể mình học không giỏi, bị đúp một năm nhưng cũng đã gần hết 12 năm, đang ấp ủ sẽ thi vào một trường đại học. Tuấn cũng kể đã có bạn gái và thật thà rằng bạn gái của mình cũng khá xinh...

“Nhưng hôm còn giam ở Mộc Châu, mẹ cháu lên bảo bạn gái đã biết hết cả rồi ...” - Tuấn nói với tất cả sự tuyệt vọng.

Buổi sáng mồng 1 tết khi công an ập vào nhà, Tuấn nói chẳng kịp nhớ nhiều, chỉ ám ảnh nhất là mắt của mẹ đầy nước, như điên dại vì không tin con mình vừa làm chuyện tày trời.

Tuấn nói chỉ mới gặp mẹ có một lần từ lúc bị bắt khi còn ở nhà tạm giam Công an Mộc Châu. “Cô chú gọi điện cho mẹ cháu giúp, nói cháu nhớ mẹ và gửi cho cháu cái chăn, ở đây rét và lạnh lẽo lắm...” - cuộc trò chuyện vì thế cứ bị khựng lại liên tục khi căn phòng lấy cung của trại giam Công an Sơn La hình như quá nhỏ hẹp trước nỗi ân hận và nuối tiếc của Tuấn.

Câu chuyện của Tuấn cùng lời gửi gắm nhờ gọi điện về với gia đình báo rằng mình vẫn khỏe và gửi lời xin lỗi đến mọi người đã thôi thúc chúng tôi ngược về Mộc Châu để tìm chị Xa Thị Phụ, mẹ Tuấn.

Và thật bất ngờ, trong câu chuyện mừng tủi khi biết tin của Tuấn từ trại giam, chị Phụ đã cho biết mình không phải là mẹ mà chỉ là dì ruột, điều mà người cùng xóm lẫn bạn bè cùng trường gần như không ai biết.

Chị Phụ kể cha mẹ Tuấn bỏ nhau từ lúc Tuấn 2 tuổi. Mẹ Tuấn dính án ma túy nên đang chịu án tù ở trại giam Sơn La, để cả hai đứa con cho chị Phụ nuôi. Anh em Tuấn lớn lên bằng hơi ấm của chị Phụ và Tuấn gọi luôn vợ chồng chị là bố mẹ từ đó đến nay.

“Tôi nuôi dưỡng cháu từ nhỏ, tôi biết lòng nó rất thương tôi. Nhưng càng lớn dường như cháu càng lầm lì, ít chia sẻ. Nếu cháu có tình thương đầy đủ như bao đứa khác thì có lẽ không nên nỗi này. Giờ này chắc mẹ ruột nó đã biết nó vào tù, sao lại có chuyện oái oăm thế, hai mẹ con ở cùng một trại giam!” - chị Phụ ngậm ngùi.

Góc khuất sau lằn ranh

Phải chăng góc khuất về tình cảm gia đình chính là một yếu tố dẫn đến hành vi của một cậu học trò như Tuấn? Câu hỏi này của chúng tôi đã không được thượng úy Cà Văn On - điều tra viên của PC 45 Công an Sơn La, người trực tiếp điều tra vụ án của Tuấn - khẳng định.

Nhưng anh On cho biết bị can Hoàng Văn Kiên, đồng phạm của Tuấn, cũng là một người chưa từng có tiền án tiền sự, thậm chí Kiên từng là quân nhân, chỉ vừa xuất ngũ.

Nhưng quá trình điều tra mới biết Kiên mới cưới vợ chưa đầy năm nhưng đã sống ly thân, bỏ về nhà bố mẹ từ mấy tháng nay vì bất hòa với gia đình vợ khi ở rể.

Câu chuyện về hoàn cảnh riêng của Tuấn và Kiên không giúp thượng úy Cà Văn On đưa ra kết luận gì trên phương diện điều tra. Nhưng điều đó làm anh On khá trầm ngâm và nói: “Dường như phía sau mỗi bị cáo, mỗi phạm nhân của các vụ xâm hại tình dục mà tôi từng điều tra đều có những uẩn khúc về cuộc đời”.

Lật những chồng hồ sơ vụ án, thượng úy On bảo điều tra viên không phải là người thu thập số liệu về xã hội học. Nhưng trong quá trình điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, những câu chuyện về gia cảnh của bị cáo có những nét giống nhau khiến họ phải lưu tâm.

Thống kê ở Sơn La những năm gần đây cho thấy các vụ xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu tăng, năm 2010 là bảy vụ, năm 2011 là 13 vụ. Và đều có một mẫu số chung là đa số thủ phạm đều ở nông thôn, thường có hoàn cảnh sống khó khăn, ít được chăm sóc tốt về tinh thần mà trường hợp của Tuấn và Kiên không phải là cá biệt.

Cũng như thượng úy Cà Văn On, thượng úy Đinh Đức Thiện, điều tra viên đội hình sự Công an huyện Mộc Châu (Sơn La), cũng có chung những dự cảm về các vụ án xâm hại tình dục mà anh trực tiếp điều tra.

Thượng úy Thiện kể độ tuổi của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mà anh thường gặp nhất là trong hoặc vừa qua tuổi vị thành niên, hoặc đàn ông trung niên, lớn tuổi.

Thượng úy Thiện kể năm 2011 trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em mà đối tượng xâm hại là đàn ông trung niên thì tất cả đều có cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, gần như sống ly thân suốt nhiều năm liền.

Những chi tiết đó, dù không đưa vào hồ sơ vụ án nhưng thượng úy Thiện nói là một mẫu số làm điều tra viên phải suy nghĩ nhiều. “Và đó là những góc khuất nếu có thể chia sẻ được thì có thể đã kịp ngăn họ không bước qua lằn ranh mà bản năng thôi thúc” - thượng úy Đinh Đức Thiện chia sẻ.

Theo Viễn Sự - Hoàng Điệp – Ng. Loan
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại