Con của rừng nên không phá rừng
Tôi biết Lemdecor từ năm 2013, trước khi biết chủ nhân của nó, họa sĩ Đinh Nhật Tân. Một dịp ngẫu nhiên tìm đồ trang trí cho cái “tổ mới” của anh bạn khó tính, chúng tôi lạc vào một không gian rất khiêu khích thị giác. Mọi thứ ở đây đều được làm từ gỗ loại và đều không đẹp theo cách thông thường.
Trong khi những con cá với răng và xương được chạm khắc nghều ngào sắc nhọn, thì con bò tót lại có vẻ ú nu dễ thương. Những chiếc đồng hồ chỉ có hai cái kim giống như được gắn bừa vào một mảnh gỗ cong nứt méo mó, tuyệt không có cái nào vuông thành sắc cạnh. Cái chân đèn hay những bức tượng trang trí đều cố tình phô ra các góc khuyết thiếu như vết nứt, lồi lõm, màu sắc không đồng nhất...
Vì thích phong cách của Lem, chúng tôi thành khách quen. Lâu lâu lại qua chọn mua vài thứ, giống như phụ nữ qua cửa hàng ruột mua quần áo hay sắm giầy. Tháng 3 năm ngoái, biết Tân “trọc” mở quán cà phê ở ĐH Mỹ thuật, có thời gian tôi lại lặn lội qua Bình Thạnh ngồi, lâu dần còn học được vài câu đơn giản bằng tiếng H’rê. Giống như xưởng mỹ nghệ của mình, quán cà phê của Tân “trọc” cũng chỉ tuyển phục vụ là con em người H’rê ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi.
Cách mà Tân “trọc” đã thuyết phục bạn tôi (một người theo đuổi phong cách tối giản) mua hết thứ này đến thứ kia của anh về trưng trong nhà, chỉ gồm hai gạch đầu dòng: thứ nhất đồ độc, tạo hình tự nhiên chất phác và thứ hai chúng đều được làm từ gỗ bỏ đi.
“Tôi là con của rừng núi, tôi quá hiểu sự quan trọng và quý giá của rừng. Tôi không muốn phá rừng nên tất cả sản phẩm chúng tôi làm ra đều lượm lặt từ những miếng gỗ bị người ta bỏ đi. Tôi đem về chỉnh, sửa, cải biến công năng, khiến nó một lần nữa sống lại”, tôi nhớ khi ấy đại ý Tân nói thế khi được hỏi lý do cứ phải dùng gỗ cũ làm nguyên liệu.
Sau này, Tân mở rộng quy mô sản phẩm, ngoài đồ trang trí còn có bàn, ghế, cửa... Anh chủ yếu dùng gỗ tàu để tạo hình. Những đồ đạc đi ra từ xưởng của Tân còn nguyên lỗ thủng, thậm chí cả vỏ hàu bám trên bề mặt gỗ nhưng chính vì thế, nó lại có vẻ đẹp khác, của sự nguyên sơ và sống động. Nói cách khác, chính thời gian đã phủ lên những thứ đồ này một lớp sơn quý giá và đầy bất ngờ, khiến mỗi đồ vật đều có lịch sử của nó, câu chuyện của nó, và như bạn tôi nói, từ đây chúng được “chú” thêm một thứ ma lực tên là “không dễ bị vứt bỏ”.
Xưởng nhỏ của thanh niên H’rê
Đinh Nhật Tân được đào tạo để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, vẽ có lối riêng, từng có triển lãm cá nhân ở Trung tâm mỹ thuật đương đại Pusan (Hàn Quốc). Nhưng những thành công này không ngăn cản anh “làm cái gì đó cho quê hương”. Một lần về quê, thấy những thanh niên H’rê không có công ăn việc làm, lại nhặt được những miếng gỗ loại đồng bào bỏ đi sau khi làm nương, anh quyết định lập Lemdecor.
Mấy chục thanh niên H’rê có người chưa từng đi xa khỏi bản được Tân dinh lên phố thị, cầm tay chỉ việc để họ “vẫn đục đẽo tạc tượng nhưng có nghề hơn và tạo hình phức tạp hơn”. Một thời gian sau, những chàng trai đẹp như cây lim cây táu ấy, mặc dù nói tiếng phổ thông còn lơ lớ nhưng đã làm việc đâu ra đấy. Ở trong xưởng họ mặc trang phục bảo hộ lao động đằng sau có chữ Lemdecor. Hàng tháng có một khoản thu ổn định đủ để bình tĩnh chậm rãi nhìn cuộc sống tốt dần lên.
Tất nhiên, hành trình đi đến sự ổn định ấy không bằng phẳng. Thời gian đầu, để có tiền dựng xưởng, Tân “trọc” làm thêm như điên, tích cóp mua từng cái dụng cụ chạm, khắc, đục đẽo, khoan, cắt... Đến khi xưởng có hình có dạng, hàng làm ra lại không tiêu thụ được vì khách hàng chưa quen với đồ của Lem. Xưởng trưởng lúc này vẫn phải cày việc đêm ngày để có tiền trả lương cho anh em. Có những đoạn khó khăn, Tân “trọc” quyết đoán đóng cửa xưởng. Cứ mở ra, đóng lại vài lần thì Lem dần tạo được chỗ đứng trong thị trường trang trí nội thất ở Sài Gòn. Khách hàng của anh đông lên, đa phần là họa sĩ, nghệ sĩ, dân chơi cá tính mạnh.
Bản thân là người sáng tạo, Tân gần như không can thiệp vào quá trình làm ra sản phẩm của các “người anh em”. Điều này thường mang đến những bất ngờ nhỏ vì chính anh cũng không nghĩ những chàng trai đi ra từ làng, chưa từng học hành bài bản lại có thể tạo ra những thứ đẹp đẽ, phóng khoáng mà vẫn đậm chất Tây Nguyên như thế.
Sau này, Lem có lãi, hàng năm Tân “trọc” đều trích một phần để tặng các em học tốt ở xóm, ở xã Sơn Hà. “Học bổng ấy nhỏ thôi nhưng tôi thấy mình đã khích lệ được tinh thần học tập của các em” anh nói.
Họa sĩ nghèo vượt khó
Đinh Nhật Tân (1981) sinh ra ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà thuộc miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình H’rê nghèo, đông con (Tân có 6 anh chị em). Từ rất bé Tân đã phải vừa đi học vừa đi làm nương rẫy, chăn trâu, cắt cỏ… “Ngày ấy cơm ăn không đủ bữa nhưng cha luôn nhắc chúng tôi phải học hành đến nơi đến chốn. Tối nào ông cũng kêu chúng tôi ngồi vào bàn học và giám sát việc học của các con. Sáng sớm, 4 rưỡi, 5 giờ là ông đã kêu đàn con dậy học bài trước khi tới trường”, Tân kể.
Học hết cấp 2 ở quê, Tân theo anh trai lúc đó đang học ĐH Y khoa ở Huế ra Huế học cấp 3 để theo đuổi giấc mơ học vẽ. Lúc đó mới 15 tuổi, Tân đã đi dạy kèm học sinh lớp 1, lớp 2 để có tiền trang trải cuộc sống.
Tốt nghiệp phổ thông, Tân thi đỗ vào ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hành trang lên Sài Gòn của cậu trai 18 tuổi là mấy bộ quần áo và 300 ngàn tiền mẹ anh bán một con heo. Sau khi nhập học, đóng tiền ký túc xá và mua một số đồ dùng học tập, trong túi Tân chỉ còn lại khoảng 60 ngàn. Chân ướt chân ráo ổn định chỗ ở, Tân lại lao ra đường kiếm việc làm thêm. Anh làm tất cả mọi việc được thuê mướn, từ rửa chén, trông xe, đưa hàng, cho đến sang trọng nhất là chép tranh... để kiếm tiền. Những năm đại học của Tân gần như không có ngày nghỉ. Anh bảo: những đứa con nhà nghèo muốn thay đổi cuộc sống, chả có cách nào khác là phải học. Cho nên, trong những năm này, nhiều lúc đói khổ, nợ nần, anh cũng chưa từng nghĩ chuyện bỏ học.
Những món “nợ” của Đinh Nhật Tân
Đinh Nhật Tân hay nói, anh được như hôm nay là mang nợ rất nhiều người. Thời gian COVID bủa vây Sài Gòn, Tân ngồi liệt kê ra những “chủ nợ” của anh, thế mà dài cả trang giấy. “Mình không phải dân quận 5, không phải dân quận 3, dĩ nhiên càng không phải dân quận 1. Mình là dân miền quê, quê đến nỗi nhà mình không có số, phường hay hẻm gì cả... vậy mà khi đến với Sài Gòn được Sài Gòn cưu mang như người nhà.
Nhắm mắt nhớ lại chặng đường đã đi qua thấy mình nợ nần quá chừng quá xá; nợ từ quận 5 xuống quận 1, nợ qua Bình Thạnh ghé Gò Vấp, nợ từng con phố ngõ hẻm, nợ cả ánh mắt yêu thương. Nợ quán cơm của Tư trên đường vạn Kiếp. Nợ ông hai trong trong hẻm 182 Bạch Đằng, tiền phòng chưa một lần đúng hẹn vậy mà những ngày ôm gối chờ triều cường rút thì bà Hai vẫn bưng qua cho tô canh chua nóng hổi. Nợ phòng tranh trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Lúc đó mới tuần thứ hai của năm nhất có biết gì về sơn dầu đâu mà đi xin chép tranh. Tấm được tấm hư vậy mà cứ rửa cọ là cô dúi tiền vào tay.
Nợ cư xá An Bình trên đường Bùi Hữu Nghĩa với bigmama cô Ngọc bên ngoài nghiêm khắc nhưng bên trong chan chứa yêu thương sinh viên, mình luôn là người được ưu tiên trả tiền cơm sau cùng. Nợ bạn cùng phòng Thành rùa, anh Tân Râu, Tàu Phớ, Tùng say anh em san sẻ với nhau từng bút chì cây cọ bữa ăn... túm lại nợ nhiều lắm kể không hết”. Anh viết.
Cũng vì có những “chủ nợ” hào phóng ấy, Tân “trọc” lúc nào cũng tâm niệm, bất kể điều kiện có ít hay nhiều, anh đều muốn giúp lại những người khó khăn hơn, đôi khi chẳng được gì nhiều, có lúc chỉ là một cái ôm ấm áp...