Ông nhấn mạnh rằng chiến thắng là không thể nếu không hành động, bao gồm cả việc giành lại thế chủ động từ đối phương.
“Sẽ không thể có chiến thắng nếu lực lượng vũ trang Ukraine chỉ phòng thủ. Chúng ta phải giành thế chủ động và phản công. Đó là điều chúng ta phải làm”, ông Syrskyi nói.
Tuyên bố của ông Syrskyi được đưa ra trong bối cảnh giao tranh quyết liệt tại các điểm then chốt trên mặt trận, bao gồm Donetsk và Zaporizhia. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine được cho là không có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn.
Phái đoàn Ukraine thăm Hàn Quốc, kêu gọi viện trợ vũ khí
Một phái đoàn Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu đang thăm Hàn Quốc trong tuần này để kêu gọi viện trợ vũ khí cho Kiev, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông.
Phái đoàn đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik để trao đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine, tờ DongA Ilbo đưa tin vào thứ Tư.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Hàn Quốc KBS vào tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ gửi yêu cầu chi tiết tới Seoul về việc hỗ trợ vũ khí bao gồm pháo binh và hệ thống phòng không.
Tờ South China Morning Post cũng đưa tin trong tuần này, rằng một phái đoàn Ukraine sẽ đến thăm Hàn Quốc để yêu cầu viện trợ vũ khí, trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 26/11 từ chối xác nhận khi được hỏi liệu một phái đoàn Ukraine đã đến Seoul hay chưa.
Seoul, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn, đã chịu áp lực từ một số nước phương Tây và Kiev về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng cho đến nay vẫn tập trung vào viện trợ phi sát thương bao gồm thiết bị rà phá bom mìn.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul, khi được hỏi vào đầu tháng này liệu Seoul có gửi vũ khí cho Ukraine để đáp trả việc Triều Tiên hỗ trợ Nga hay không, đã trả lời rằng mọi kịch bản đều đang được xem xét và Seoul sẽ theo dõi mức độ tham gia của quân đội Triều Tiên tại Nga, cũng như những gì Bình Nhưỡng nhận lại từ Mátxcơva.
Nghi vấn tên lửa siêu thanh mới mà Nga phóng vào Ukraine không mang theo thuốc nổ
Tên lửa đạn đạo mới mà Nga phóng nhằm vào thành phố Dnipro của Ukraine tuần trước mang nhiều đầu đạn nhưng không chứa chất nổ, và chỉ gây hậu quả hạn chế, hai nguồn tin cấp cao từ Chính phủ Ukraine cho biết.
Thông tin này dường như xác nhận tuyên bố trước đó của Điện Kremlin về vụ phóng, rằng đây chỉ là động thái cảnh báo phương Tây sau khi Mỹ và Anh cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Hai nguồn tin của Reuters đã cung cấp thông tin chi tiết về loại tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga mà các chuyên gia Mỹ cho là tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tên lửa đạn đạo tầm trung thường được dùng để tấn công hạt nhân tầm xa vào các mục tiêu cách xa hàng nghìn kilomet.
Một trong những nguồn tin cho biết tên lửa này mang theo đầu đạn giả và gây ra thiệt hại "khá nhỏ".
Nguồn tin thứ hai nhận định: "Trong trường hợp này, tên lửa không có thuốc nổ. Có một thứ gì đó, nhưng không quá mạnh”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là một cuộc thử nghiệm thành công và đã đạt được mục tiêu. Tổng thống cũng tiết lộ Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm Oreshnik trong chiến đấu và đã có một kho vũ khí sẵn sàng để sử dụng.
Ukraine hiếm khi tiết lộ thông tin về các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự kể từ khi xung đột bùng phát.
Kiev cho biết Ukraine đã và đang nỗ lực phát triển các hệ thống trên không để chống lại tên lửa Nga.
Theo các quan chức Mỹ, Nga có lẽ chỉ sở hữu một số ít tên lửa này. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, Oreshnik có vẻ như bắt nguồn từ tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26.
Việc loại bỏ thuốc nổ trong đầu đạn tên lửa sẽ nhường chỗ cho thiết bị đo lường, mà đơn vị thử nghiệm sẽ có thể sử dụng để đo hiệu suất, các chuyên gia cho biết.
Tên lửa RS-26 được báo cáo có tầm bắn hơn 5.000 km. Còn tên lửa Oreshnik tấn công Ukraine được phóng từ vùng Astrakhan của Nga, và bay được khoảng 700 km.
Chuyên gia Ukraine: Nga có thể phóng đồng thời 300-500 máy bay không người lái
Chuyên gia quân sự Ukraine cho biết, quân đội Nga có thể phóng 300-500 máy bay không người lái tấn công vào Ukraine cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra khi đối phương có đủ bệ phóng và chuyên gia lập trình máy bay không người lái.
"Nga có thể phóng từ 300-500 máy bay không người lái (UAV) nhưng tất cả phụ thuộc vào số lượng bệ phóng và số lượng người tham gia lập trình. Những chiếc UAV này không được phóng từ sân bay, chúng được phóng từ các bệ phóng chuyên dụng", chuyên gia quân sự Ukraine Mykhailo Zhyrokhov cho biết.
Ông Mykhailo Zhyrokhov lưu ý rằng, Nga đang thay đổi chiến thuật, phóng máy bay tấn công không người lái liên tục.
"Nếu trước đây các cuộc tấn công chỉ diễn ra vào ban đêm, thì bây giờ các vụ phóng diễn ra vào ban ngày và cả buổi tối. Điều này khiến các hệ thống phòng không của Ukraine hoạt động liên tục và có thể dẫn đến quá tải, đồng nghĩa với việc có ít máy bay không người lái bị bắn hạ hơn", chuyên gia này giải thích.
Được biết, trong cuộc tấn công vào đêm ngày 25, rạng sáng 26/11, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công kết hợp quy mô lớn bằng 4 tên lửa và 188 máy bay không người lái nhằm vào 15 khu vực của Ukraine.
Sự kiện này đánh dấu số lượng máy bay không người lái kỷ lục được Nga triển khai trong các cuộc tấn công Ukraine những tháng gần đây.
Theo báo cáo từ Không quân Ukraine, hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 76 máy bay không người lái của Nga, 96 chiếc biến mất khỏi màn hình radar và 5 chiếc khác bay về phía Belarus.