> Hơn 5.400 hồ sơ lao động được giới thiệu với Hàn Quốc
> Nhật muốn tuyển dụng thêm lao động Việt
Doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Ngày 5/4, trả lời các thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề XKLĐ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, một số thị trường đang khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động Việt Nam bị hạn chế. Đó là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Theo Bộ trưởng Chuyền, riêng thị trường Hàn Quốc, vì lao động bỏ trốn gia tăng nên chính phủ nước này đã dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. “Trung bình hàng năm Hàn Quốc tiếp nhận khoảng 15.000 lao động, nhưng năm 2012 đã giảm xuống 9.000 và năm 2013 sẽ giảm nữa nên chắc chắn tác động đến tổng thể mục tiêu XKLĐ năm 2013” - bà Chuyền nói.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong ba tháng đầu năm 2013, cả nước mới chỉ đưa được hơn 19,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài.
“Với tình hình hiện tại, để thực hiện được chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2013 là rất khó khăn”.
“Với tình hình này, mục tiêu mỗi năm đưa 100.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài mà Bộ LĐ-TB&XH đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 là ảo tưởng” - giám đốc một doanh nghiệp XKLĐ nói.
Theo vị giám đốc này, dù đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có thống kê trong số hơn 160 doanh nghiệp được cấp giấy phép XKLĐ ai còn ai mất, nhưng thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp hiện đang vỡ nợ và lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”.
“Có doanh nghiệp trước đây có cả trăm nhân viên nhưng hiện chỉ có mình giám đốc ngồi ủ rũ giữ chân để khỏi bị ngân hàng siết nợ”- vị giám đốc nói.
Đầu ra bế tắc
Anh N.V.N, quê ở Nghệ An cho biết, anh đã có chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011, nhưng đến nay vẫn chưa được xuất ngoại. Theo anh N, cả gia đình đang lo lắng vì không biết đến bao giờ anh N mới sang được Hàn Quốc làm việc.
“Để đi Hàn Quốc, gia đình tôi phải vay ngân hàng 50 triệu đồng. Bỏ ra hơn 20 triệu đồng để học tiếng Hàn, nay hồ sơ đã lên mạng, nhưng suốt 2 năm nay chỉ biết ngồi đợi. Tiền vay ngân hàng tháng nào cũng phải trả gốc và lãi” - anh N lo lắng.
Thực tế, không phải chỉ có anh N mà hơn 12.000 lao động dù hồ sơ đã lên mạng nhưng vẫn chưa được xuất cảnh vì Chính phủ Hàn Quốc đã dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép mới (EPS).
Phương hướng xử lý với thị trường này cũng lâm cảnh bế tắc khi người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH than rằng: “Chính lao động đã lấy đi cơ hội để Chính phủ hai bên trao đổi với nhau vì tỷ lệ lao động ta bỏ trốn quá cao”.
Trong khi thị trường Hàn Quốc chưa được khơi thông, thị trường Nhật Bản lại đang là “cánh cửa hẹp” cho NLĐ Việt Nam. Thực tế, ba tháng đầu năm 2013, Nhật Bản chỉ tiếp nhận có 236 người. Trong khi Nhật Bản đang tiếp nhận nhỏ giọt thì lại rộ lên thông tin thị trường này “cấm cửa” với lao động Nghệ An.
“Với tình hình hiện tại, việc thực hiện được chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013 thực sự là rất khó khăn” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong tháng 3/2013, Việt Nam đưa được 6.943 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan 2.998 người; Hàn Quốc 1.563 người; Nhật Bản 236 người; Malaysia 842 người; UAE 43 người, Ả rập Xê út 92 người... Tính chung, ba tháng đầu năm mới đưa được 19.814 người ra nước ngoài làm việc.